Chiều ngày 17/02/2025, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thông qua bao gồm các nội dung chính như: Phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước (Điều 5), trong đó, giữ lại quy định về phân định thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội, thay vì chuyển sang Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều chỉnh các quy định để bảo đảm phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị; tại các điều 66, 67 và 68a chỉnh lý cơ cấu tổ chức, gồm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc/Chủ nhiệm Ủy ban, các Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội chuyên trách; Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 90 thay đổi cách gọi “Quốc hội họp bất thường” thành “Quốc hội họp không thường lệ” hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề để phù hợp hơn với Hiến pháp.
Chỉnh lý nội dung và kỹ thuật lập pháp, sửa đổi, bổ sung 21 điều (tăng 04 điều so với dự thảo ban đầu), bãi bỏ 17 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Bảo đảm đồng bộ với việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Kết quả biểu quyết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Việc sửa đổi nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Kết quả biểu quyết cho thấy, 461/461(tỷ lệ 96.44%) đại biểu Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc