Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. Nội dung chính của Luật này tập trung vào việc đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Một số điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi bao gồm:
Thứ nhất, cải tiến quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, bổ sung quy định về tham vấn chính sách nhằm nâng cao chất lượng chính sách ngay từ giai đoạn đầu của quá trình lập pháp. Rút ngắn thời gian xây dựng và ban hành văn bản, đồng thời tập trung vào các bước quan trọng như thẩm định, thẩm tra.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh hệ thống VBQPPL, giảm số điều từ 173 điều của Luật hiện hành xuống còn 72 điều, với mục tiêu đơn giản hóa hệ thống pháp luật. Quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền của các cơ quan trong việc ban hành VBQPPL.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với tỷ lệ 96,03%
Thứ ba, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong quá trình lập pháp, quy định rõ trách nhiệm của ĐBQH trong việc tham gia từ sớm vào quy trình xây dựng, ban hành luật. Tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận trước khi trình dự án luật ra Quốc hội.
Thứ tư, tăng cường phản biện xã hội và minh bạch hóa quá trình xây dựng VBQPPL, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan trình dự án trong việc giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện.
Thứ năm, quy định rõ trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong xây dựng VBQPPL, cơ quan trình dự án có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng về các vấn đề lớn, quan trọng.
Ngoài ra, luật cũng có những thay đổi đáng kể liên quan đến việc hệ thống hóa VBQPPL, kiểm tra, rà soát, cũng như quy định về thể thức và ngôn ngữ sử dụng trong VBQPPL.
Thanh Trung
Ý kiến bạn đọc