Sáng thứ Năm, ngày 13/02/2025, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các đại biểu trong Tổ tập trung thảo luận về cần quy định rõ việc giao quyền cho Thường trực HĐND giải quyết các vụ việc phát sinh giữa 02 kỳ họp; quy định rõ số lượng Phó Chủ tịch HĐND, các Ban HĐND trong dự thảo Luật theo khung trần hoặc theo phân loại của tỉnh, thành phố; bỏ thẩm quyền của HĐND, UBND, CT UBND trong việc thu hồi văn bản do mình ban hành cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật đã bỏ hình thức thu hồi; tính khả thi của quy định giao cho HĐND bãi bỏ văn bản của UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp…
Vấn đề đại biểu quan tâm nhiều nhất là các quy định liên quan đến việc phân cấp, phân quyền: các đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng trường hợp nào thực hiện phân cấp, trường hợp nào thực hiện phân quyền; quy định cụ thể quyền của tập thể Ủy ban nhân dân và cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân, điều luật cần quy định cụ thể hơn quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân vì gắn với trách nhiệm của người đứng đầu…
Tham gia góp ý đối với dự án Luật này, đại biểu Phạm Hùng Thái – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về quan hệ công tác giữa: Một là, HĐND với UBMTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội địa phương; hai là, HĐND với các cơ quan tư pháp ở địa phương; ba là, UBND với các cơ quan tư pháp ở địa phương; bốn là giữa HĐND và UBND. Đồng thời, đại biểu Thái đề nghị xác định rõ tại Điều 7 dự thảo Luật về mối quan hệ giữa UBND với UBMTTQ... là mối quan hệ phối hợp để triển khai thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 50, về quy định chuyển tiếp, đại biểu Phạm Hùng Thái cho rằng, thời gian 02 năm các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật, là quá dài, chưa phù hợp, không mang tính kịp thời; đại biểu Thái đề nghị cần quy định rõ trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung, các quy định có liên quan trái với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thời gian sửa đổi, bổ sung trong vòng 24 tháng cho đồng bộ, thống nhất…
Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh băn khoăn dự thảo Luật giảm 01 chương 93 điều là nhưng chưa có báo cáo đánh giá rõ tác động việc giảm nhiều điều Luật như vậy ảnh hưởng như thế nào đến hiệu lực, hiệu quả của Luật.
Tại Điều 19, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các nội dung cho đúng thẩm quyền của HĐND cấp huyện, cụ thể:
- Điểm b, khoản 1: quy định HĐND cấp huyện quyết định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… là chưa phù hợp thẩm quyền, đề nghị sửa lại là quyết định ban hành chủ trương vì HĐND cấp huyện không ban hành chính sách; nếu Luật có phân cấp, phân quyền này cho HĐND cấp huyện thì đề nghị rà soát lại tất cả các quy định pháp luật có liên quan.
- Điểm h, khoản 1: quy định HĐND cấp huyện quyết định biên chế, đề nghị sửa lại là phân bổ biên chế trong tổng biên chế được giao.
- Điểm k, khoản 1: đề nghị xem xét lại từ “thôn” đã được áp dụng phổ thông hay chưa để sử dụng cho thống nhất dễ hiểu, vì các tỉnh phía miền Nam không dùng từ “thôn”.
Tại khoản 14 Điều 28 dự thảo Luật, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung điểm c nội dung về “Quyết định việc đồng ý bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân”, cho đảm bảo đầy đủ chức năng, quyền hạn của Thường trực HĐND và thống nhất với quy định tại khoản 9 Điều 30 dự thảo Luật.
Cùng góp ý dự thảo Luật này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh góp ý: tại khoản 1, Điều 6 quy định UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu, nhưng chưa quy định về cơ chế bầu UBND ở cấp chính quyền không tổ chức HĐND, đại biểu đề nghị rà soát, quy định rõ cơ chế bầu UBND đối với các địa phương không tổ chức HĐND.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND các cấp được quy định khá đầy đủ trong dự thảo Luật nhưng chưa có điểm mới, chưa quy định rõ cấp nào được ban hành, được quyết định những vấn đề gì để đảm bảo công tác đổi mới. Cụ thể tại Điều 22 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã là quyết định biện pháp phát triển kinh tế xã hội, quyết định dự toán ngân sách nhà nước… nhưng hình thức văn bản để HĐND cấp xã ban hành là hình thức văn bản gì, bởi Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật không quy định hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp xã.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đa số các đại biểu trong Tổ đồng tình với dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đại biểu còn băn khoăn đề nghị làm rõ khi thực hiện sắp xếp bộ máy như về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan chức năng khi thực hiện sắp xếp mới chức danh, chức vụ…; về thẩm quyền của cơ quan chức năng khi bãi bỏ Công an cấp huyện, thì quy trình tố tụng thực hiện như thế nào cần tiến hành rà soát ngay…
Góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, tại khoản 3, Điều 4 “Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành thì chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyết có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định”, đại biểu Thúy cho rằng quy định thời gian sau 05 năm là quá lâu, không mang tính kịp thời, đột phá, đại biểu đề nghị trong vòng 05 năm hoặc trước 05 năm.
Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), đa số các đại biểu đồng thuận với dự thảo Luật.
KC (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc