Bài 5: Tạo thay đổi trong tư duy quản lý

Thứ ba - 24/10/2017 15:00 10 0

Bài 5: Tạo thay đổi trong tư duy quản lý

Sau hơn một năm áp dụng, hoạt động giải trình tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND đã góp phần giúp HĐND cấp huyện tháo gỡ kịp thời những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nghị quyết HĐND giữa hai kỳ họp; tạo ra thay đổi nhất định trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

>> Bài 4: Hiệu ứng tích cực

>> Bài 3: Kịp thời gỡ “điểm nghẽn”

>> Bài 2: Không chỉ làm rõ trách nhiệm

>> Bài 1: Hình thức giám sát hiệu quả

Tháo gỡ kịp thời

Xác định hoạt động thông qua phiên họp Thường trực HĐND có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong triển khai thực hiện nghị quyết, các chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND… để xác định nội dung kỳ họp nên cơ bản Thường trực HĐND cấp huyện đã tổ chức phiên họp thường kỳ hàng tháng theo luật định. Các phiên họp thường kỳ gắn với hoạt động giải trình thường được tổ chức trước các kỳ họp thường lệ từ 1 - 2 tháng, bởi thời điểm đó mới có thể đánh giá được việc triển khai thực thi các quyết sách cũng như giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Trước mỗi phiên họp tổ chức giải trình, căn cứ tình hình thực tiễn và qua khảo sát thực tế, TXCT, báo cáo từ các tổ đại biểu HĐND cũng như ý kiến phản ánh, chất vấn của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cấp huyện tổng hợp thành nội dung phiên họp, ban hành văn bản yêu cầu UBND và các cơ quan liên quan báo cáo để chuẩn bị giải trình tại phiên họp. Trên cơ sở đó, từng thành viên trong Thường trực HĐND theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công tiến hành chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ nội dung, bảo đảm chất lượng các tài liệu, báo cáo, ý kiến thảo luận, chất vấn tại phiên họp.


Phiên họp thường kỳ tháng 8.2017 của Thường trực HĐND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang
Ảnh: H. Yên

Thông qua tổ chức giải trình tại phiên họp thường kỳ hàng tháng, nhiều nội dung lẽ ra phải chờ đến kỳ họp HĐND mới được xem xét thì được xem xét ngay tại phiên họp mà HĐND đã ủy quyền cho Thường trực HĐND; nhất là, những vấn đề cử tri, nhân dân phản ánh, có những nội dung chậm giải quyết được Thường trực HĐND yêu cầu các ban HĐND phối hợp với các tổ khảo sát thực tế, thẩm tra và thực hiện chất vấn, quy rõ trách nhiệm ngay tại phiên họp. Nhờ đó, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri được UBND huyện và các ngành quan tâm, chỉ đạo xử lý quyết liệt...

Bên cạnh đó, thông qua những phiên giải trình này, Thường trực HĐND huyện đã kiến nghị các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan chính quyền. Có thể nói, các phiên giải trình đã tác động tích cực đối với các cơ quan chính quyền trên địa bàn, tạo ra sự thay đổi nhất định trong tư duy và hoạt động quản lý hành chính nhà nước đối với lĩnh vực được pháp luật trao quyền.

Chưa thành công như mong đợi

 Thông qua hoạt động giải trình tại phiên họp thường kỳ hàng tháng cũng tạo điều kiện để Thường trực HĐND xử lý các nội dung chuẩn bị cho kỳ họp, giảm sức “nặng” cho kỳ họp HĐND; đồng thời chủ động hơn trong sắp xếp chương trình, việc xem xét các tờ trình, các nghị quyết, nội dung chất vấn, thảo luận. Hạn chế tình trạng các kỳ họp HĐND chưa thể chuyển tải hết những nội dung, những vấn đề người dân quan tâm, chưa giải quyết hết bức xúc của người dân; cũng có những vấn đề nói đi nói lại ở nhiều kỳ họp như trước đây, vì thời gian cho mỗi kỳ họp HĐND cấp huyện thường diễn ra trong vòng 2 - 3 ngày.

Tuy nhiên, việc lựa chọn nội dung giải trình ở một số địa phương còn lúng túng, có nội dung chưa rõ nên kết thúc phiên giải trình cũng chưa kết luận rõ được vướng mắc và hướng giải quyết. Thực tế, vẫn có địa phương có tình trạng ôm đồm quá nhiều nội dung trong một phiên họp, dẫn tới không đi sâu làm rõ được từng vấn đề vì thời gian không cho phép, điều này cũng khiến phiên họp không thành công như mong đợi. Ngoài ra, có nơi chưa chấp hành đúng trình tự luật định về gửi văn bản yêu cầu giải trình trước cho cơ quan giải trình theo thời gian quy định mà gửi muộn, thậm chí nêu vấn đề trực tiếp khiến lãnh đạo đơn vị được giải trình lúng túng, bị động.

Bên cạnh đó, sự chấp hành của một số cơ quan giải trình chưa nghiêm túc, kịp thời. Mặc dù có văn bản yêu cầu báo cáo song thời gian gửi báo cáo về Thường trực HĐND quá chậm. Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND không có thời gian thẩm tra, xác minh nên việc chuẩn bị ý kiến để tham luận, tranh luận tại phiên họp chưa chu đáo, chặt chẽ.

Một hạn chế cần rút kinh nghiệm nữa là, còn nặng về trình bày báo cáo, thời gian dành cho tham luận, tranh luận còn hạn chế. Một số đại biểu HĐND chưa truy đến cùng vấn đề, không ít đại biểu có biểu hiện nể nang, ngại va chạm.

Từ những hạn chế trên dẫn đến nội dung nhiều kết luận - sản phẩm của phiên giải trình chưa rõ, chưa xác định được lộ trình giải quyết nên khó thực hiện trên thực tế. Việc đôn đốc, giám sát thực hiện kết luận tại các phiên giải trình chưa được quan tâm, có nơi không giám sát xem xét kết quả xử lý như thế nào nên kết luận chưa đi vào thực tiễn để thực thi như mục đích của phiên họp.

Đại biểu chưa được cung cấp thông tin đầy đủ

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên phải kể đến đầu tiên là về mặt nhận thức các quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về tổ chức phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND, hoạt động giải trình tại phiên họp thường kỳ của một số cơ quan, cán bộ, công chức, đại biểu, cử tri còn mờ nhạt, thiếu sự quan tâm, phối hợp.

Việc thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu HĐND, nhất là đối với các đại biểu cơ cấu theo ngành, đại biểu cấp cơ sở hầu như chưa được thực hiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND còn hạn chế, do những đại biểu này thiếu thông tin. Bên cạnh đó, đa số đại biểu được cung cấp thông tin thường xuyên lại chủ yếu hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước, những đại biểu này ngoài Thường trực, lãnh đạo các ban HĐND, còn lại là lãnh đạo UBND, các phòng chuyên môn nên không thể... “tự mình trói tay mình”.

Một nguyên nhân nữa phải tính đến do trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu HĐND còn hạn chế. Ngoài ra, một số địa phương, cấp ủy còn can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền. Nhiều nội dung theo quy định là trách nhiệm của chính quyền nhưng ở một số nơi chưa có sự chỉ đạo của cấp ủy thì chính quyền chưa được triển khai, điều này làm mất tính chủ động của chính quyền.

BÌNH NGUYÊN
(Theo Báo điện tử đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay11,536
  • Tháng hiện tại170,389
  • Tổng lượt truy cập2,656,258
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây