Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức khảo sát công tác điều tra, rà soát hộ nghèo và việc thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương thì việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách giảm nghèo được tỉnh triển khai rất quyết liệt. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh so với mức bình quân chung của cả nước thấp và số lượng hộ nghèo cần phải tiếp tục hỗ trợ còn rất ít. Công tác phân loại, điều tra, rà soát hộ nghèo cơ bản đảm bảo đúng quy định tạo cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Việc thực hiện các chương trình giảm nghèo được cơ quan quan tâm đã tham mưu thực hiện các chính sách, các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và địa phương tương đối đầy đủ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nguồn lực của ngân sách nhà nước, đã huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Tuy nhiên, qua khảo sát nhận thấy vẫn còn tình trạng điều tra viên trong quá trình điều tra còn xét theo cảm tính, chủ quan mặc dù đã được tập huấn theo hướng dẫn mới; việc điều tra thu nhập có khi chưa chính xác, có tình trạng hộ gia đình cố tình giấu thu nhập; có trường hợp điều tra viên không đến điều tra tại hộ gia đình mà điều tra thông qua phiếu cũ; việc quy định tổ chức họp dân thống nhất kết quả có nơi chưa đảm bảo thành phần theo quy định... dẫn đến kết quả điều tra không chính xác (một số hộ có tài sản có giá trị như đất sản xuất từ 0,5 ha đến 0,8 ha, đất ở mặt tiền rộng, có hộ là giáo viên, thu nhập ổn định...) nhưng vẫn được xét là hộ nghèo.
Mặt khác, biểu mẫu báo cáo tổng hợp điều tra hộ nghèo ở ấp khá nhiều (18 biểu mẫu), trình độ của điều tra viên còn hạn chế nên việc tổng hợp biểu mẫu còn sai sót, phải chỉnh sửa nhiều lần, trong khi đó kinh phí hỗ trợ cho điều tra viên còn thấp so với yêu cầu (11.000 đồng/phiếu), điều tra viên phải đi lại nhiều lần để thu thập thông tin, chưa khuyến khích được điều tra viên tích cực trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo.
Thành viên Đoàn khảo sát trao đổi với hộ cận nghèo tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu
Vai trò của thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo ở một số địa phương chưa tốt, chưa tham gia các buổi tập huấn, không xuống địa bàn được phân công để kiểm tra nên dẫn đến tình trạng xảy ra sai sót trong rà soát ở hộ ở một số nơi. Mặt khác, công tác thanh, kiểm tra có nơi chưa tốt nên không phát hiện những bất cập về công tác điều tra như quy trình họp xét hộ nghèo thiếu đối tượng được điều tra, những khó khăn của cơ sở không được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến kết quả điều tra. Hầu hết lãnh đạo các địa phương được khảo sát cho rằng, một thực tế hiện nay là tâm lý của hộ nghèo không muốn thoát nghèo hoặc có xu hướng tách hộ để được hưởng các chính sách của nhà nước, vì vậy khi điều tra hộ nghèo cố tình giấu thu nhập, tài sản hoặc khi bị đưa ra khỏi hộ nghèo thì khiếu nại với ngành cấp trên.
Phó chủ tịch UBND xã Trường Hòa, huyện Hòa Thành báo cáo tại buổi khảo sát
Đối với việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, trên thực tế nảy sinh một số hạn chế như: chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hiện nay hộ nghèo tham gia rất ít, sau khi học nghề người lao động không sử dụng nghề đã học; hỗ trợ vốn vay tín dụng của Ngân hàng chính sách còn ít, thời gian cho vay ngắn nên khó khăn cho hộ nghèo vay vốn, phát triển sản xuất để trả nợ; một số dự án liên quan đến hỗ trợ vật nuôi, con giống, nhiều hộ nghèo bán vật nuôi được hỗ trợ để lấy tiền...
Bên cạnh đó, có quá nhiều dự án hỗ trợ sản xuất triển khai trên cùng địa bàn như: chương trình hỗ trợ bò của MTTQ, Hội Chữ thập đỏ; vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo xã biên giới... Các tổ chức tự thực hiện, không có sự liên kết phối hợp nên sự hỗ trợ không đồng đều ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức mô hình giảm nghèo cho người dân nên khi được hỗ trợ không phát huy được hiệu quả (gặp bệnh dịch, mất mùa...).
Trước những khó khăn, hạn chế nêu trên, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực về công tác giảm nghèo quan tâm thực hiện một số nội dung, cụ thể: Tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo các cấp trực thuộc nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo tại địa phương, đồng thời xử lý trách nhiệm của cá nhân để xảy ra sai sót trong việc thực hiện công tác giảm nghèo. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, tăng tính công khai, minh bạch và hiệu quả quản lý nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của Ban chỉ đạo các cấp, quan tâm lựa chọn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác điều tra để nâng cao năng lực, trách nhiệm và chất lượng điều tra.
Tăng cường kiểm tra, phúc tra việc tuân thủ các quy định điều tra hộ nghèo nhất là việc công khai minh bạch và sự giám sát của cộng đồng. Đổi mới các biện pháp hỗ trợ theo hướng có điều kiện và đến từng đối tượng cụ thể, có sự tham gia góp vốn của các đối tượng được hỗ trợ. Cần tính toán lộ trình để hướng đến thoát nghèo và có cam kết giữa bên hỗ trợ với hộ gia đình, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại của người dân. Thực hiện rà soát, đổi mới và hoàn thiện các mô hình hỗ trợ giảm nghèo; phân công cho các đoàn thể phụ trách hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng quản lý, đồng thời tìm hiểu nhu cầu của hộ gia đình để có phương án hỗ trợ phù hợp. Phối hợp với các ngành có liên quan có cơ chế phối hợp và điều tiết nguồn lực hỗ trợ, tránh tình trạng phân tán hoặc phân bổ không đều dẫn đến hiệu quả thực hiện các chính sách không cao.
YP