Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Có phải là bước lùi?

Thứ tư - 22/02/2017 17:00 9 0

Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Có phải là bước lùi?

Sau hơn nửa năm thực hiện Nghị định số 48/2016/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, rất nhiều ý kiến của các địa phương đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi văn bản này để phù hợp hơn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tiễn hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chúng tôi cơ bản đồng tình với các ý kiến đã đăng tải trên diễn đàn Báo Đại biểu Nhân dân về đề tài này. Xin góp thêm vài ý kiến.

Một là, trong hệ thống các cơ quan nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần xác định rõ Văn phòng HĐND là một cơ quan cấp sở. Nghị định của Chính phủ thành lập Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải quy định rõ điều này. Có như vậy nó mới đủ tư cách pháp lý để thực hiện việc phối hợp với các cơ quan khác như quy định tại Điều 6 của Nghị định 48.

Hai là, lâu nay khi bàn đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan văn phòng nói chung thường nhấn mạnh đến chức năng phục vụ. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Cơ quan văn phòng nói chung, trong đó có Văn phòng HĐND phải có 3 chức năng: Tham mưu, giúp việc và phục vụ. Cả ba chức năng này phải được coi trọng như nhau. Đặc biệt đối với văn phòng HĐND, chức năng tham mưu, giúp việc lại càng quan trọng bởi đa số đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm. Điều 2 Nghị định 48 quy định về chức năng, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh mặc dù đã khá đầy đủ nhưng còn “thiên” về chức năng phục vụ. Trên thực tế, Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải tham mưu, đề xuất với Thường trực HĐND, lãnh đạo các ban HĐND về các nội dung hoạt động của HĐND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; khi ý kiến tham mưu được lãnh đạo chấp thuận thì là người trực tiếp giúp Thường trực, các ban của HĐND tổ chức thực hiện.

Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên họp báo thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khóa XIV 
Ảnh: Lê Hùng

Mặt khác, Văn phòng HĐND còn có vai trò kết nối các khóa của HĐND. HĐND thực hiện nhiệm vụ theo nhiệm kỳ. Các đại biểu HĐND “đến rồi đi” sau mỗi nhiệm kỳ. Thường trực, các ban HĐND cũng được bầu và hoạt động theo nhiệm kỳ. Nhưng hoạt động chung của HĐND không thể bị “cắt khúc” theo nhiệm kỳ, mà phải mang tính liên tục. Những quyết sách của HĐND có thể có hiệu lực qua nhiều giai đoạn. Những kiến nghị giám sát của HĐND mà cơ quan chịu giám sát có thể phải thực hiện qua nhiều năm. Rồi kinh nghiệm hoạt động của khóa trước có thể được phát huy ở khóa sau hay không? Phải có người theo dõi, tổng hợp, kết nối, xâu chuỗi… Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải thể hiện được nội dung này.

Ba là, về cơ cấu tổ chức. Đây là nội dung được nhiều ý kiến tham gia nhất, thậm chí là phản ứng khá gay gắt của những người trong cuộc. Có người cho rằng đây là bước thụt lùi so với Nghị quyết 545 trước đây. Trong nhiệm kỳ trước nhiều địa phương đã “xé rào” thành lập thêm nhiều phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Lỗi không phải ở họ mà là do văn bản quy định không hợp lý.

Chúng tôi cho rằng, để cơ quan Văn phòng HĐND cấp tỉnh thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND thì phải có các phòng chuyên môn. Các phòng thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh gồm có phòng hành chính - tổ chức - quản trị. Các phòng này tập trung làm chức năng phục vụ, quản lý tài sản, kinh phí hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND như hiện nay. Các phòng chuyên môn khác theo chúng tôi nên có các phòng sau: Phòng Tổng hợp - Dân nguyện chuyên tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND tỉnh về các công việc chung của HĐND và công tác dân nguyện, công tác TXCT. Trên thực tế, đơn thư kiến nghị, tố cáo của công dân chủ yếu được gửi đến lãnh đạo HĐND, rất ít khi gửi đến lãnh đạo các ban của HĐND nên công tác dân nguyện có thể ghép chung với phòng tổng hợp. Tham mưu, giúp việc cho mỗi ban HĐND cấp tỉnh nên có một phòng chuyên môn. Tùy theo mỗi địa phương, nơi nào HĐND có 3 ban sẽ có 3 phòng. Nơi nào HĐND có 4 ban sẽ có 4 phòng tương ứng. Cụ thể: Phòng Kinh tế tham mưu giúp việc cho Ban Kinh tế - Ngân sách; Phòng Văn xã tham mưu giúp việc cho Ban Văn hóa - Xã hội; Phòng Pháp chế tham mưu giúp việc cho Ban Pháp chế. Nếu Văn phòng được tổ chức như trên thì hoạt động của các chuyên viên văn phòng sẽ thực hiện chủ yếu theo chế độ trực tuyến. Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND chỉ đạo, nghe ý kiến tham mưu và yêu cầu thực hiện công việc chuyên môn trực tiếp đến các chuyên viên của các phòng. Như vậy, công việc sẽ được triển khai nhanh hơn, thông suốt hơn và hiệu quả hơn. Khi thực hiện những nhiệm vụ cần có sự phối hợp của các phòng như tổ chức kỳ họp chẳng hạn, lãnh đạo Văn phòng sẽ điều hành.

 Nghị định 48 mắc khá nhiều lỗi về kỹ thuật soạn thảo văn bản. Có thể liệt kê vài ví dụ sau: Điểm 13, Điều 2 về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND ghi: “Được ký văn bản thông báo…”. Đây phải là quyền hạn của Chánh Văn phòng chứ không thể là nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng. “Ký” là hành động cụ thể của một người, không thể là nhiệm vụ của một cơ quan. Hoặc ở điểm 2, Điều 4 viết: “Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND cấp tỉnh, Chánh Văn phòng…”. Thường trực HĐND cấp tỉnh sao lại phải thống nhất ý kiến với Chánh Văn phòng HĐND cấp mình.

Ở Điều 6 về mối quan hệ công tác của Văn phòng HĐND thì thiếu hẳn sự quan hệ công tác với Văn phòng tỉnh, thành ủy. Thực tế ở các địa phương, 3 cơ quan Văn phòng là Văn phòng cấp ủy, Văn phòng UBND và Văn phòng HĐND có mối quan hệ và phối hợp công tác rất chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ phối hợp với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện cũng không hề được đề cập đến. Đó là những nội dung cần được bổ sung vào Nghị định 48.

Hoàng Văn Bảo - Nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương
(Nguồn Báo điện tử đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách truy cập11
  • Hôm nay10,330
  • Tháng hiện tại257,894
  • Tổng lượt truy cập2,477,988
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây