Cần cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp
Hiện nay, Văn phòng HĐND tỉnh là cơ quan duy nhất thực hiện tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, theo quy định Nghị định 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ, Văn phòng HĐND tỉnh chỉ có 2 phòng, mỗi phòng có một Trưởng phòng và một Phó Trưởng phòng. Phòng Tổng hợp thực hiện việc tham mưu, giúp việc về tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, pháp chế, văn hóa, xã hội, dân tộc, dân nguyện, thông tin, tuyên truyền. |
Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 khẳng định HĐND là cấp chính quyền địa phương, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Theo quy định, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND, Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh được tăng thêm. HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND; quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN trên địa bàn.
Hiện nay, HĐND tỉnh Thái Nguyên có 5 cơ quan. Trong đó: Thường trực HĐND tỉnh là cơ quan thường trực của HĐND tỉnh, 4 ban gồm: Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Dân tộc là các cơ quan của HĐND tỉnh theo lĩnh vực chuyên môn. Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tăng so với nhiệm kỳ trước, HĐND tỉnh có 2 Phó Chủ tịch và 4 Trưởng ban, 4 Phó Trưởng ban của 4 ban là đại biểu chuyên trách. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vai trò của Thường trực HĐND tỉnh được tăng cường. Ngoài thực hiện nhiệm vụ theo luật định, giữa các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh được HĐND tỉnh ủy quyền giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh trong quyết định chủ trương đầu tư; cho ý kiến về quản lý và sử dụng ngân sách; xem xét điều chỉnh, bổ sung các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Sau khi Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND có hiệu lực, thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của HĐND, Thường trực, ban của HĐND tỉnh được quy định rõ, cụ thể hơn. Tiếp công dân, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo; ý kiến kiến nghị của cử tri cũng được quy định là nhiệm vụ thường xuyên của Thường trực HĐND tỉnh.
Với vai trò và nhiệm vụ được giao, HĐND tỉnh cần có một cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, chuyên sâu theo các lĩnh vực để bảo đảm phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Bởi thực tiễn đã chứng minh chất lượng hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng đại biểu HĐND, chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách (Thường trực, các ban của HĐND) và chất lượng tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh.
![]() Với vai trò và những nhiệm vụ được giao, HĐND tỉnh Thái Nguyên cần có một cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên nghiệp, chuyên sâu theo các lĩnh vực |
Ảnh: Tuấn Anh |
Tổ chức các phòng chuyên môn theo lĩnh vực
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh, việc kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Văn phòng HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung vào các nội dung như: Quản lý, điều hành hoạt động của Văn phòng chuyên sâu theo từng lĩnh vực; phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm, phù hợp với khả năng của chuyên viên để nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, chính sách pháp luật, lý luận chính trị, tin học cho công chức Văn phòng. Đồng thời, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là công tác quy hoạch để tạo nguồn cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực dân cử. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản trong công tác quản lý, điều hành trong cơ quan Văn phòng và gửi, nhận tài liệu trao đổi thông tin với đại biểu HĐND tỉnh.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của HĐND tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Văn phòng HĐND cấp tỉnh cần 5 phòng chuyên môn theo lĩnh vực. Cụ thể gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Pháp chế; Phòng Kinh tế - Ngân sách; Phòng Văn hóa - Xã hội; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Mỗi phòng có Trưởng phòng và 2 Phó Trưởng phòng. Trong các hội thảo, hội nghị giao ban, Thường trực HĐND và Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố cả nước đã nhiều lần có ý kiến về việc này. Vì vậy, đề nghị Bộ Nội vụ sớm tổ chức khảo sát thực trạng hoạt động của Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố; trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ý kiến bạn đọc