Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Cần tiếng nói chính thống từ cơ quan chức trách

Thứ năm - 02/03/2017 18:00 8 0

Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Cần tiếng nói chính thống từ cơ quan chức trách

Về mô hình Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo Nghị định 48, Phó Chủ tịch HĐND Đồng Nai PHẠM NGỌC TUẤN cho rằng: Dù khó cũng cần tiếp thu ý kiến. Đặc biệt, cần tiếng nói chính thống từ các cơ quan chức trách để đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn.

Chức năng tham mưu rất quan trọng

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, nhất là chức năng tham mưu, giúp việc đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của cơ quan dân cử địa phương?

- Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đòi hỏi vai trò tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu trên rất quan trọng, nhất là chức năng tham mưu.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức tham mưu, giúp việc cho hoạt động của HĐND được Văn phòng thực hiện trên tất cả các lĩnh vực KT - XH, QP - AN ở địa phương. Đại biểu HĐND cấp tỉnh hiện nay với khoảng trên 85% hoạt động kiêm nhiệm thì vai trò của Văn phòng rất lớn. Văn phòng là đầu mối giúp Thường trực HĐND giữ liên hệ với đại biểu HĐND; Văn phòng giúp đại biểu HĐND gần dân hơn. Ngoài ra, theo Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, HĐND, đại biểu HĐND và các tổ chức HĐND phải báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri và trước HĐND. Để báo cáo này “hài lòng” cử tri, Văn phòng phải tham mưu hàng hoạt các nhiệm vụ: Xây dựng nội dung giám sát thông qua tại kỳ họp cuối năm để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát; nội dung, chương trình giám sát được rà soát, lựa chọn kỹ, nhất là các nội dung liên quan đến quyền lợi của người dân, các vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài. Công tác tham mưu, giúp việc đối với hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; công tác tuyên truyền, đưa tin về hoạt động của HĐND cũng đòi hỏi phải có một lực lượng nòng cốt trong công tác tham mưu để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Văn phòng HĐND tỉnh phải phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để tham mưu, phục vụ cho lãnh đạo tỉnh và các hoạt động của địa phương.

Với khối lượng công việc như vậy, việc kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc của Văn phòng hết sức cần thiết.

Phiên họp thứ 5 của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đánh giá kết quả thực hiện các kết luận của phiên họp trước
Ảnh: Phương Hằng

- Để làm tốt vai trò của mình, nhất là chức năng tham mưu, giúp việc trong điều kiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND ngày càng được tăng cường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Văn phòng HĐND cấp tỉnh nên được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nào, thưa ông?

- Theo tôi, để làm tốt vai trò của mình, nhất là chức năng tham mưu, giúp việc trong điều kiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh ngày càng được tăng cường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Văn phòng HĐND cấp tỉnh nên được tổ chức thành các phòng chuyên môn tham mưu, phục vụ chuyên sâu các lĩnh vực, giúp Thường trực và các ban HĐND tỉnh luôn chủ động trong các hoạt động của mình.

Về hoạt động, nên khẳng định rõ Văn phòng HĐND cấp tỉnh là một cơ quan cấp sở thuộc tỉnh, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng. Theo đó, các chuyên viên thuộc các phòng trong Văn phòng thực hiện trực tiếp sự chỉ đạo của Trưởng, Phó phòng phụ trách (phòng chuyên môn) theo từng lĩnh vực của các ban HĐND tỉnh. Vì hiện tại, đa số Văn phòng HĐND cấp tỉnh ngoài phục vụ Thường trực HĐND tỉnh còn phải phục vụ cả lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, nên việc điều hành theo chế độ Thủ trưởng chưa được thống nhất; có một số nhiệm vụ chuyên viên vừa thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng, vừa thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, điều này ảnh hưởng khống nhỏ đến hiệu quả và chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh, do thiếu tính đồng bộ, thông suốt theo chế độ thủ trưởng.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

  Những khó khăn, hạn chế, bất cập trong hoạt động Văn phòng HĐND cấp tỉnh thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Qua hoạt động của HĐND các tỉnh, thành trong cả nước, qua hệ thống thông tin đại chúng, nhất là qua Diễn đàn của Báo Đại biểu Nhân dân cho thấy, yêu cầu bức thiết việc sửa đổi Nghị định 48/2016/NĐ-CP là như thế nào. Vì đây là một Nghị định có tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.

- Nghị định 48 từ khi còn là dự thảo đến khi ban hành đã gặp không ít phản ứng, thậm chí gay gắt của nhiều địa phương. Quan điểm của HĐND tỉnh Đồng Nai về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Như tôi nói ở trên, vai trò tham mưu của Văn phòng HĐND cấp tỉnh hết sức quan trọng, nhất là trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của HĐND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Do đó, quan điểm của tập thể Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai nói chung và quan điểm cá nhân tôi mong muốn cơ quan chủ trì sớm tham mưu Chính phủ có biện pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của Nghị định 48 theo hướng tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hóa và cân đối trong việc xây dựng, tổ chức bộ máy quản lý giữa các cơ quan tương đương. Đây cũng chính là thể hiện tính công bằng và sự đánh giá đúng, đầy đủ về vai trò, chức năng và đóng góp của Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

- Vậy theo ông, để một nghị định có tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động HĐND sớm được sửa đổi, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn, các cơ quan chức trách cần có tiếng nói như thế nào?

- Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hiện nay HĐND được tăng cường về quyền lực, về số đại biểu chuyên trách ở Thường trực, các ban HĐND. Đây vừa là hành lang pháp lý, cũng là nhân tố quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng bộ máy và hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung. Tuy nhiên, đối với hoạt động của Văn phòng HĐND cấp tỉnh, đây lại là vấn đề khó do phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 48/2016/NĐ-CP. Theo tôi, để bảo đảm hài hòa giữa cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ cho hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban, đại biểu HĐND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, dù có khó cũng cần tiếp thu ý kiến của các địa phương, của những người trong cuộc và nhất là qua phản ánh hoạt động thực tiễn của bộ máy văn phòng HĐND tỉnh trong thời gian qua, cần có tiếng nói chính thống từ các cơ quan chức trách.

Cụ thể, Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương sớm hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, bổ sung, chỉnh sửa những bất cập trong Nghị định 48/2016 của Chính phủ để thực hiện những nhiệm vụ chung đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn và theo đúng tinh thần kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LINH thực hiện
( Nguồn Báo điện tử đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập648
  • Hôm nay13,411
  • Tháng hiện tại260,975
  • Tổng lượt truy cập2,481,069
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây