Linh hoạt, cương quyết trong điều hành
Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đại biểu của mình. Cho nên khi đại biểu HĐND thực hiện quyền chất vấn là nhân danh cá nhân nhưng với tư cách người đại diện cho quyền lực của nhân dân, không thể hỏi để biết mà không quy kết trách nhiệm gì. Nội dung chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân người bị chất vấn. Không thể hỏi tùy tiện.
![]() Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Lai Châu |
Theo quy định, người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay. Thực tế, nhiều địa phương có tính trạng cấp phó được ủy quyền trả lời thay, điều này không đúng quy định pháp luật và không bảo đảm hiệu quả hoạt động chất vấn. Nội dung trả lời phải xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập, khuyết điểm (nếu có). Trường hợp đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền chất vấn lại. Trong trường hợp này, Chủ tọa phải điều hành hết sức linh hoạt, cương quyết, để người bị chất vấn nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra hạn chế, khuyết điểm, đồng thời yêu cầu phải khắc phục trong thời gian cụ thể. Nếu vấn đề liên quan đến nhiều ngành thì Chủ tọa yêu cầu các ngành giải trình, làm rõ và quy trách nhiệm. Trường hợp cần thiết, có thể ra Nghị quyết về chất vấn.
Phát huy vai trò hạt nhân
Chất vấn và trả lời chất vấn mục đích cuối cùng là để tìm ra bản chất vấn đề và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Do đó, cần có sự thẳng thắn, mang tính xây dựng, có lý lẽ và thực tiễn thuyết phục, không cần tạo áp lực hay có thái độ gay gắt, căng thẳng. Hoạt động chất vấn cần được rút kinh nghiệm thường xuyên để cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, nếu không sẽ dễ trở thành hình thức, hiệu quả không cao, không đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. |
Để hoạt động chất vấn thật sự hiệu quả, cùng với vai trò của Chủ tọa kỳ họp thì kỹ năng của đại biểu HĐND, chủ thể thực hiện quyền chất vấn hết sức quan trọng. Đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà mình am hiểu, thường là bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm sẽ nhận được ủng hộ từ các đại biểu khác và công chúng. Một câu hỏi hay không nên rườm rà, dài dòng mà phải cụ thể, rõ ràng, sát với thực tiễn cuộc sống, đi thẳng vào vấn đề, quy trách nhiệm thuộc về ai.
Yêu cầu nội dung chất vấn phải “cụ thể”, nghĩa là đại biểu phải có bằng chứng, có ví dụ; nếu đại biểu chỉ dựa vào dư luận mà không tìm hiểu kỹ thì vấn đề chất vấn, số liệu đưa ra không bảo đảm độ tin cậy. Bên cạnh đó, phải bảo đảm “rõ ràng”, tức là đại biểu phải có đầy đủ thông tin chính xác. Trong trường hợp đại biểu có được thông tin rất giá trị nhưng chưa có điều kiện kiểm tra, khi đó đại biểu chỉ nên nêu thông tin như một nguồn tin để hỏi người bị chất vấn có biết sự việc đó hay không? Nếu có thì ở mức độ nào? Và trách nhiệm của người bị chất vấn về vấn đề đó ra sao? Hạn chế việc chọn và đi sâu vào những vấn đề nóng nhưng chưa có thông tin đầy đủ, khi các cơ quan chức năng còn đang làm rõ, chưa có biện pháp xử lý khả thi hoặc những vấn đề quá chi tiết, không mang tính phổ biến.
Đối tượng trả lời chất vấn phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của nội dung chất vấn. Việc xác định người đứng đầu cơ quan nào, phải chịu trách nhiệm ra sao đối với vấn đề bức xúc đang tồn tại là điều khá khó khăn. Thực tế có trường hợp đại biểu chất vấn những việc không thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn. Do đó, trước khi đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu phải giải quyết được hai câu hỏi: Thứ nhất, vấn đề chất vấn có xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hay không? Thứ hai, vấn đề đó có thuộc trách nhiệm của người định chất vấn hay không?
Để chất vấn hiệu quả, các câu hỏi nên ngắn gọn, đủ thông tin, chỉ nên đề cập sâu một vấn đề và có sự kết nối với những nội dung trình bày trước đó của người bị chất vấn. Trong trình bày nội dung chất vấn, đại biểu cần có thêm một số kỹ năng khác như: Lựa chọn sử dụng ngôn từ, giọng nói, ngôn ngữ cơ thể một cách hiệu quả có thể làm nội dung trình bày trở nên sinh động hơn; tức là trình bày mạch lạc, rõ ràng, không nói quá to nhưng cũng không ấp úng, không nói quá nhỏ, chú ý âm lượng, cao độ, tốc độ khi nói. Khi trình bày nội dung chất vấn, đại biểu cũng nên chú ý các đồng nghiệp đang ngồi trong hội trường bằng ngôn ngữ, cử chỉ hoặc một sự diễn giải hướng đến họ.
Cần thảo luận, tức là có sự trao đổi ý kiến giữa các bên, giữa đại biểu với người bị chất vấn, giữa đại biểu khác với đại biểu chất vấn và với người bị chất vấn; thảo luận để tìm ra lý lẽ, có quan điểm rõ ràng, thuyết phục. Thảo luận giúp cho đại biểu khai thác được nhiều khía cạnh của vấn đề; lắng nghe ý kiến người khác, dù có thể đó là ý kiến trái chiều; có nhận thức mới từ những ý kiến khác nhau; thêm khả năng trao đổi, suy nghĩ và quan điểm của mình một cách rõ ràng... Để làm được như vậy, Chủ tọa phải điều hành linh hoạt, gợi mở vấn đề để đại biểu tham gia “truy vấn” làm sáng tỏ vấn đề và quy trách nhiệm cụ thể cho người bị chất vấn.
Ý kiến bạn đọc