Thành lập các tổ nghiệp vụ chuyên môn
Cơ cấu tổ chức của Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Ninh hiện nay gồm Chánh Văn phòng, 2 Phó Chánh Văn phòng. Tổ chức bộ máy có 2 phòng chuyên môn nghiệp vụ: Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Trong đó, Phòng Tổng hợp được thành lập trên cơ sở hợp nhất 4 phòng chuyên môn giúp việc trước đây (Phòng Tổng hợp và Thông tin Dân nguyện; Phòng nghiệp vụ Kinh tế và Ngân sách; Phòng nghiệp vụ Văn hóa - Xã hội; Phòng nghiệp vụ Pháp chế).
Nhằm bảo đảm ổn định tổ chức, bộ máy cơ quan Văn phòng, tiếp tục phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, giúp việc phục vụ các hoạt động của HĐND, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo thành lập 4 tổ nghiệp vụ chuyên môn thuộc Phòng Tổng hợp gồm: Tổ Thông tin Tổng hợp giúp Văn phòng tham mưu, phục vụ chung cho Thường trực HĐND tỉnh; Tổ nghiệp vụ Kinh tế - Ngân sách tham mưu, phục vụ Ban Kinh tế - Ngân sách; Tổ nghiệp vụ Văn hóa - Xã hội tham mưu, phục vụ Ban Văn hóa - Xã hội; Tổ nghiệp vụ Pháp chế tham mưu, phục vụ Ban Pháp chế.
Quy chế làm việc của Văn phòng HĐND tỉnh phân công công việc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; quan hệ công tác giữa các Phòng, các Tổ nghiệp vụ phải chặt chẽ. Thực hiện chế độ làm việc trực tuyến, kết hợp chế độ thủ trưởng trong quản lý, vận hành các Phòng, các Tổ nghiệp vụ bảo đảm linh hoạt, hiệu quả. Văn phòng HĐND tỉnh tiếp nhận một số cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn tại các sở, ngành, địa phương, nhất là lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quy hoạch đất đai… về công tác tại Văn phòng nhằm đáp ứng yêu cầu công việc của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh.
Bên cạnh đó, việc không ngừng cải tiến, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và hồ sơ công việc, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đầy đủ, hiện đại góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ. Cụ thể: Thực hiện lộ trình chính quyền điện tử, HĐND tỉnh tiếp tục trang bị máy tính xách tay phục vụ hoạt động của 75 đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời đưa vào sử dụng phần mềm quản lý các kỳ họp, giúp đại biểu có thể nhận tài liệu điện tử và thực hiện một số ứng dụng khác thuận tiện, nhanh chóng, giảm tải việc in ấn, chuyển tài liệu giấy và tiết kiệm kinh phí.
![]() Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung chức vụ Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Kỳ họp thứ 4 - Ảnh: Nguyên Thanh |
Đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Ninh được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 11.12.2007 của UBTVQH gồm: Phòng Hành chính - Tổ chức Quản trị; Phòng Thông tin và Dân nguyện; Phòng Công tác ĐBQH; Phòng Công tác HĐND. Quá trình hoạt động phát hiện nhiều bất cập, Văn phòng đã báo cáo cấp thẩm quyền để sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc. Theo đó, đã tổ chức thành 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ giúp theo hướng chuyên môn hóa. Trong đó, có 4 Phòng giúp việc chuyên môn sâu cho Thường trực, các ban HĐND tỉnh. Qua hơn 3 năm thực hiện theo mô hình này đã từng bước khẳng định hoạt động Văn phòng ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, giảm tối đa sự trùng chéo trong chỉ đạo các khâu công việc, các bộ phận. |
Để góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động HĐND, Thường trực, các ban và đại biểu HĐND tỉnh, Chính phủ cần xem xét, sửa đổi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP theo hướng: Văn phòng HĐND tỉnh có thêm các phòng chuyên môn. Trước mắt là thêm 3 phòng chuyên môn tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế. Việc thành lập các phòng trên là hết sức cần thiết, bảo đảm chuyên môn hóa và nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ công chức, chuyên viên Văn phòng, đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc, phục vụ các hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Quy định hiện nay, mô hình Văn phòng HĐND cấp tỉnh tương tự như mô hình trước đây quy định tại Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 11.12.2007 của UBTVQH có nhiều bất cập, hạn chế như: Văn phòng sẽ nặng về chức năng phục vụ hậu cần, còn chức năng tham mưu tổng hợp chuyên sâu sẽ giảm. Vì, Thường trực và 3 ban HĐND tỉnh được giao các nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực khác nhau nhưng Văn phòng cũng chỉ có 1 Phòng Tổng hợp tham mưu phục vụ chung, nên việc theo dõi, hệ thống công việc chuyên sâu sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, Trưởng phòng phải nắm bắt, bao quát, chỉ đạo chung các lĩnh vực chuyên môn quá rộng, trong khi mỗi cá nhân thường chỉ có chuyên môn sâu trên một số lĩnh vực nhất định nên không thể quản lý tốt quá nhiều mặt chuyên môn khác.
Văn phòng còn phục vụ cả lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND tỉnh, nên việc điều hành theo chế độ thủ trưởng trong Văn phòng chỉ có tính tương đối, do các ban HĐND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau và trực tiếp điều hành nhiệm vụ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên giúp việc được Văn phòng phân công. Vì vậy, có một số công việc, bộ phận, Chánh Văn phòng cũng không hoàn toàn chỉ đạo, điều hành được theo chế độ thủ trưởng, vì vậy bộ máy phục vụ của Văn phòng thiếu tính đồng bộ, thông suốt theo một đầu mối lãnh đạo.
Hơn nữa, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định tăng số đại biểu chuyên trách lên nhiều, nhưng Nghị định lại giảm số phòng chuyên môn của cơ quan giúp việc như hiện nay là bất hợp lý, không bảo đảm việc tham mưu chuyên sâu theo lĩnh vực, nhất là trong công tác giám sát, thẩm tra.
Ý kiến bạn đọc