Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND huyện

Thứ hai - 03/08/2020 18:00 90 0

Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra các nội dung trình kỳ họp HĐND huyện

Thẩm tra là một trong các hình thức giám sát của các Ban HĐND, nhằm xem xét sự phù hợp của nội dung dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của nội dung dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành; là cơ sở giúp đại biểu HĐND nghiên cứu để tham gia thảo luận và quyết định để Nghị quyết của HĐND ban hành phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015:  HĐND có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Để HĐND đảm bảo được thực quyền và nâng cao chất lượng trong các quyết định liên quan đến kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh … hiểu rõ nội dung để thảo luận đưa ra quyết định thì báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND (quy định tại Điều 109, Điều 111) có ý nghĩa quan trọng cung cấp thêm thông tin cần thiết giúp HĐND thảo luận, quyết định các vấn đề sát thực và có tính khả thi. Đồng thời giúp HĐND,  đại biểu HĐND huyện thực hiện quyền giám sát một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác thẩm tra cũng còn một số khó khăn, hạn chế như sau: một số báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND gửi về Thường trực HĐND còn chậm so với yêu cầu, thậm chí có văn bản gửi cận ngày diễn ra kỳ họp, ảnh hưởng đến công tác thẩm, trong công tác chuẩn bị kỳ họp, có một số cơ quan, phòng ban được giao soạn thảo dự thảo nghị quyết chưa chủ động phối hợp với Ban ngay từ đầu quá trình xây dựng văn bản nên cũng khó khăn trong công tác thẩm tra. Mặt khác, Thành viên của Ban hoạt động chủ yếu là kiêm nhiệm, mỗi thành viên chỉ có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định, trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của Ban, lĩnh vực hoạt động khá rộng, nên việc triển khai hoạt động trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của các Ban có lúc còn hạn chế, trong đó có hoạt động thẩm tra. Kiến thức chuyên môn, kỹ năng hoạt động của một số thành viên trong Ban cũng còn hạn chế; điều kiện công tác của mỗi thành viên khác nhau ảnh hưởng nhất định đến việc thực thi nhiệm vụ của Ban.

Chất lượng báo cáo thẩm tra đôi khi cũng còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. Trong đó, có nguyên nhân do công tác chuẩn bị của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND chưa kịp thời và thường không đáp ứng được thời gian gửi báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, đôi khi các Ban cũng còn chủ quan là các văn bản này đã được đóng góp nhiều lần qua các cuộc họp UBND, họp Ban Thường vụ, Ban chấp hành Huyện uỷ trước khi trình ra kỳ họp HĐND nên các thành viên Ban cũng chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích sâu, phát hiện các vấn đề phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của các Ban. Chất lượng một số dự thảo nghị quyết khi trình kỳ họp HĐND còn chưa bảo đảm. 

Từ thực tế trong hoạt động thẩm tra, nhằm đổi mới phương thức, tổ chức nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động này; trong thời gian qua, các Ban HĐND huyện đã rút ra một số kinh nghiệm và giải pháp thực hiện như sau:

Các thành viên Ban cần chú trọng nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, năng lực chuyên môn, cần nghiên cứu, nắm vững các văn bản quy định có liên quan trên lĩnh vực này để góp phần phục vụ tốt hơn cho công tác thẩm tra.

Tăng cường khảo sát để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra. Lãnh đạo Ban cần được cung cấp thông tin đầy đủ để thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong các hoạt động thẩm tra của các Ban về các nội dung có liên quan. Bên cạnh đó, các thành viên Ban phải chủ động dành thời gian nghiên cứu các văn bản có liên quan trước để chuẩn bị tham gia phát biểu ý kiến đóng góp tại cuộc họp thẩm tra.

Lãnh đạo Ban được mời tham gia cùng cơ quan soạn thảo ngay từ khâu chuẩn bị đầu tiên để tiếp cận được thông tin sớm, xác định các vấn đề trọng tâm cần thẩm tra và tham dự các cuộc họp của Ban Chấp hành Huyện uỷ, UBND huyện khi thảo luận, thông qua các nội dung trình tại kỳ họp HĐND để kịp thời nắm bắt thông tin, thống nhất quan điểm chỉ đạo, góp phần định hướng trong hoạt động thẩm tra của Ban.

Chủ động thu thập các thông tin cần thiết sau khi nhận được báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết cần thẩm tra. Sau khi nhận được các văn bản, Ban cần tiếp tục thu thập thêm các thông tin cần thiết như: yêu cầu cơ quan soạn thảo phải cung cấp những tài liệu, báo cáo về các nội dung cần làm rõ; tổ chức các đoàn khảo sát để nắm tình hình tại địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết…

Nội dung báo cáo thẩm tra của Ban phải thể hiện rõ được ý kiến của Ban về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế; sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi, dư luận xã hội… kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để nghị quyết khi ban hành đạt chất lượng cao.

Ban HĐND huyện Bến Cầu

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Hôm nay310
  • Tháng hiện tại40,752
  • Tổng lượt truy cập2,046,651
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây