Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 08/06/2022 23:00590
Chiều ngày 07 tháng 6 năm 2022, Quốc hội tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ, ngành, mở đầu là phiên chất vấn đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đối với nhóm vấn đề: Công tác tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc phối hợp xây dựng cơ chế chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản, giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp; vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững.
Trong phiên họp, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tây Ninh đã có ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đại biểu Phương, Doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh nên doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Mặt khác, còn nhiều điểm nghẽn khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, như khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các chính sách ưu đãi còn nhiều thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp ngán ngại. Đây là những nguyên nhân cơ bản góp phần cho ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng sẽ đề ra những giải pháp như thế nào để tháo gỡ những rào cản nêu trên, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển và hội nhập bền vững.
Trả lời câu chất vấn của đại biểu Phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem lại để sửa đổi Nghị định 57 để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Một trong những lĩnh vực mà chúng ta rất kỳ vọng sẽ thay đổi nền nông nghiệp nước nhà, vai trò doanh nghiệp trong việc dẫn dắt thị trường, vai trò doanh nghiệp để cung cấp thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường thông qua doanh nghiệp là những người hàng ngày, hàng giờ đối mặt với sự biến động thị trường và có nhiều thông tin, kể cả thông tin của doanh nghiệp, của thị trường còn nhanh nhạy hơn thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, bởi vì đó là thuộc tính. Nhiều chính sách Bộ trưởng cho rằng tương đối đầy đủ, nhưng một vấn đề là nguồn lực để hỗ trợ qua Nhà nước có một điều kiện nhất định.
Về cách tiếp cận của doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết có nhiều doanh nghiệp phản ánh là rất nhiều khó khăn, nhiều nhiêu khê. Bộ trưởng cũng chia sẻ với các tổ chức ngân hàng và thương mại tín dụng, đầu ra của nền nông nghiệp bấp bênh thì đầu vào cũng bấp bênh và chính sách cũng bấp bênh. Nhưng những gì mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm với Gia Lai, làm với Đắk Lắk, làm với Lai Châu, nếu các địa phương cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại từng dự án có thể thay đổi được, vượt qua được phần nào.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, sáng ngày 08 tháng 6 năm 2022, Quốc hội chuyển sang nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, tập trung vào các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp thúc đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 43 Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng làm giả, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác, ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu – Tây Ninh đã có ý kiến tranh luận với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đại biểu Hậu đặt vấn đề: Bộ trưởng có nêu một nguyên tắc trong điều hành ngân sách là phải bảo đảm sự chủ đạo của Trung ương và tăng cường sự chủ động của địa phương. Theo nhiều địa phương thì Thông tư số 65 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định là chỉ dùng chi thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng phải dùng nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, sử dụng chi thường xuyên có quy trình đơn giản, phù hợp với những công trình cải tạo, nâng cấp cấp bách, vốn không lớn. Nếu dùng vốn đầu tư công thì quy trình phức tạp, lãng phí nhiều công sức, chi phí thời gian, ngay cả khi được cho làm ngay rồi thực hiện các thủ tục sau. Nếu địa phương nào dựa trên hiệu quả hoặc nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cử tri mà dùng chi thường xuyên để cải tạo, nâng cấp công trình nào đó sẽ phải lách từ việc tìm cái tên để tránh bớt sự chú ý đến việc chuẩn bị lý lẽ để giải trình với kiểm toán.
Bộ trưởng có biết vướng mắc này không? Và theo Bộ trưởng thì có thể sửa Thông tư 65 theo hướng cho phép địa phương được chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công nhằm vừa giữ kỷ cương trong sử dụng ngân sách, tránh thất thoát lãng phí, vừa phát huy sự chủ động, năng động, tính chịu trách nhiệm của các địa phương trong điều hành linh hoạt ngân sách sao cho sử dụng có hiệu quả nhất những đồng vốn quý giá của quốc gia.
Đại biểu Trần Hữu Hậu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng cho rằng ý kiến của đại biểu Trần Hữu Hậu là rất đúng, bởi vì bản thân Bộ trưởng cũng muốn như đại biểu và hơn ai hết đã từng là nhà quản lý thì Bộ trưởng rất hiểu những việc làm mà chúng ta thường xuyên như sửa chữa trụ sở, trụ sở hỏng thì đương nhiên phải sửa chữa, nhưng lại vấp phải pháp luật, pháp luật thì là pháp luật, cho nên không thể gói gọn là khác được. Tại sao lại như vậy? Là vì thông tư của Bộ Tài chính không thể thay thế được Nghị định và Luật. Trong Luật Xây dựng quy định khi sửa chữa nhà là phải lập dự án. Trong Luật Đầu tư công thì quy định sửa chữa nhà hay sửa chữa các công trình phải đưa vào đầu tư công, kể cả vốn chuẩn bị đầu tư, kể cả hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng, v.v. đều đưa vào Luật Đầu tư công hết. Theo Bộ trưởng khi làm luật là gói vào hết, trước đây ta đang còn gói cả quỹ của các đơn vị sự nghiệp vào Luật Đầu tư công, sau này nhiều ý kiến thì sửa, 2019, mở được chỗ này ra, là giao cho cơ quan chủ quan quyết định, tức là ở tỉnh thì giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nếu đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ thì giao cho Bộ trưởng, mới gỡ được việc đấy. Bây giờ còn việc này nữa thì lại vướng luật. Nếu tại kỳ họp này mà đại biểu Quốc hội đồng ý là tách, không phải thực hiện Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng theo điểm này và bố trí vào chi thường xuyên, Bộ trưởng hoan nghênh ngay, rất ủng hộ và Bộ trưởng cho rằng ý kiến này là xác đáng, là đúng, xin tiếp thu.
Thanh Tâm (lược ghi)