Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: việc phối hợp trong công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù chưa được quan tâm đúng mức
admin
2022-06-03T18:00:00+07:002022-06-03T18:00:00+07:00https://hdnd.tayninh.gov.vn/vi/news/kinh-nghiem-hoat-dong/-i-bi-u-qu-c-h-i-hu-nh-thanh-ph-ng--t-y-ninh-vi-c-ph-i-h-p-trong-c-ng-t-c-h-ng-nghi-p-d-y-ngh--gi-i-thi-u-vi-c-l-m-cho-ng-i-ch-p-h-nh-xong-n-ph-t-t-ch-a--c-quan-t-m--ng-m-c-7526.htmlhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/PublishingImages/2022-06/13_Key_03062022104246. Huỳnh Thanh Phương - Tây Ninh_Key_03062022104246.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 03/06/2022 18:00740
Sáng ngày 03 tháng 6 năm 2022, trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh hoàn thống nhất với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, đây là chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với phạm nhân trong việc cải tạo, giáo dục và tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời có sự giúp sức, hỗ trợ của xã hội, giảm áp lực của Nhà nước trong công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù.
Do vậy, sự ra đời của Nghị quyết thí điểm này là hết sức cần thiết, theo đại biểu Phương bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất: Hoạt động tổ chức cho phạm nhân học nghề, thực hành nghề, lao động ngoài trại giam từ trước đến nay chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tế đã có việc các tổ chức, doanh nghiệp trong nước ký kết với trại giam trên toàn quốc để tổ chức dạy nghề, thực hành nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân nhưng không đưa phạm nhân lao động ra ngoài khu vực trại giam, mà chủ yếu là tổ chức trong khu vực do trại giam quản lý.
Thứ hai: Với lưu lượng quản lý, giam giữ trung bình của các trại giam trong độ tuổi lao động tăng lên hằng năm là một áp lực rất lớn để cải tạo phạm nhân trở thành người có ích sau này, nhưng trong những năm qua thực hiện việc hướng nghiệp, dạy nghề, lao động cho phạm nhân gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thực hiện các công việc truyền nghề, thực hành nghề và tổ chức lao động tại trại giam; mà tại các trại giam cơ sở vật chất rất hạn chế, ngành nghề đào tạo chưa phong phú; chưa được đầu tư thỏa đáng để đáp đầy đủ nhu cầu của phạm nhân, có thể nhận xét rằng thực trạng hiện nay chưa tương xứng với nội dung pháp luật quy định và tiềm năng phát triển nghề nghiệp cho phạm nhân khi họ chấp hành xong án phạt tù, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, giảm khả năng tái phạm tội, cũng như đáp ứng sự mong đợi, nguyện vọng chính đáng của phạm nhân, thân nhân và xu hướng vận động, phát triển của xã hội.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận
Với những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đại biểu Phương cho rằng nguyên nhân cụ thể như sau:
Một là, việc tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân ở các cơ sở giam giữ được quy định trong Luật Thi hành án hình sự và văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, thực chất việc phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và trại giam trong công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù chưa được quan tâm đúng mức.
Hai là, việc thụ hưởng các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội các trại giam trú đóng trên địa bàn tỉnh, thành trong cả nước còn nhiếu bất cập, địa phương chưa dành nguồn lực để cùng với trại giam thực hiện hoạt động này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho phạm nhân được học nghề, hướng nghiệp, tìm việc làm sau này.
Ba là, công tác tuyên truyền, định hướng, tổ chức thực hiện các nội dung tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân chưa được địa phương, trại giam chủ động phối hợp thực hiện quyết liệt, còn xem đây là việc của trại giam, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện để trại giam thực hiện nên người chấp hành xong án phạt tù bị hụt hẫng khi chấp hành xong án phạt tù và trại giam cũng không có cơ chế để được phản hồi chất lượng, hiệu quả hoạt động tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, điều này được quy định tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ nay là Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm xem xét các vấn đề sau:
- Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh: đại biểu thống nhất dự thảo không quá một phần ba tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Hiện nay, hệ thống thi hành án phạt tù thuộc Bộ Công an có 54 trại giam, nên lựa chọn xem xét thực hiện không quá 1/3 là 18 trại giam để tổng kết, đánh giá việc thí điểm là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Phương đề nghị cần phải quy định chặt chẽ tiêu chí lựa chọn các trại giam được thí điểm vừa bảo đảm các yêu cầu về an ninh, an toàn giam giữ, quản lý phạm nhân vừa tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội cải tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trang bị tiền đề cần thiết để họ tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Tuy thực hiện thí điểm nhưng cũng phải dự tính, lường trước phần nào những phát sinh có thể xảy ra trong thực tiễn; tránh hiện tượng tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Trước mắt, thống nhất giao cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt kế hoạch là phù hợp với quy định của Luật Thi hành án hình sự (khoản 1 Điều 33) như nội dung dự thảo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải xem xét, tính toán việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh, cụ thể là giao thẩm quyền cho Thủ trưởng cơ sở giam giữ được tự chủ quyết định việc ký kết các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân trong hợp tác tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân theo quy định của pháp luật, có như vậy người đứng đầu cơ sở giam giữ mới tạo được sự đột phá, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị cơ sở giam giữ.
- Về nguyên tắc thực hiện thí điểm (tại khoản 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết): đại biểu Phương đề nghị xem xét các tiêu chí đánh giá, lựa chọn doanh nghiệp có thể đề nghị hợp tác với trại giam để thực hiện trong thời gian thí điểm (như về lĩnh vực sản xuất, khả năng tài chính,..) và việc cam kết thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong thời gian thực hiện. Theo dự thảo Nghị quyết, doanh nghiệp tham gia hợp tác có ưu đãi lớn nhất là được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian thí điểm, trong khi phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ quản lý giam giữ, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân; hướng xử lý đối với cơ sở vật chất này sau thời gian thí điểm. Do đó, cần phải có sự tính toán, quy định cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
- Về các trường hợp phạm nhân không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam (tại khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết): đại biểu Phương thống nhất với 11 nhóm phạm nhân không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam như dự thảo nghị quyết, vì đã cơ bản bao quát trên cơ sở tội danh, tính chất, mức độ phạm tội và các điều kiện khác. Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng trong hướng dẫn thực hiện cần hướng dẫn rõ thêm trường hợp phạm nhân có 2 tiền án, nên xem xét loại trừ đối với tiền án về những tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và quá trình cải tạo tốt, qua đó tạo cho các phạm nhân có cơ hội tham gia lao động, cải tạo và sẵn sàng chuẩn bị tâm lý tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong hình phạt.
Kết thúc nội dung thảo luận, đại biểu Phương nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết cần phải tính toán, quy định thêm thời gian tối thiểu và thời gian tối đa cho các nội dung liên quan đến thủ tục xin phép, thẩm định, cấp phép để có sự đánh giá hiệu quả của Nghị quyết khi tổ chức thực hiện.
Thanh Tâm (lược ghi)