ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TÂY NINH THẢO LUẬN TẠI TỔ (12/02/2025)

Thứ năm - 13/02/2025 07:45 28 0

Ngày 12 tháng 02 năm 2025, Quốc hội khai mạc Kỳ họp bất thường lần 9, Quốc hội khoá XV để xem xét các vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. Trong phiên làm việc buổi sáng nay, Quốc hội thảo luận tại Tổ đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành đối với các dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu cũng còn băn khoăn một số nội dung liên quan đến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để đề xuất sửa đổi, bổ sung, cụ thể như sau:

 Thứ nhất, tại khoản 12 Điều 4 quy định về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đề nghị cần quy định rõ loại văn bản cho đối tượng này. Nếu căn cứ theo quy định tại khoản 12 Điều 4 và khoản 1 Điều 22 dự thảo Luật này thì nội dung quy định khá lòng vòng và không cụ thể.

Thứ hai, liên quan đến Điều 5 về nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại khoản 4, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể, rõ hơn đối với nội dung đoạn “bảo đảm dân chủ, công bằng, nhân đạo, công khai, minh bạch, khoa học, ổn định, khả thi, hiệu quả”.  Nội dung này chỉ liệt kê các tính từ như “công khai”, “minh bạch”, “khoa học”... dẫn đến làm cho nội dung nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được rõ nghĩa. Theo đó, đề xuất 02 nguyên tắc cụ thể trên cơ sở các tính từ đã phân tích ở trên. Cụ thể:

- Bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khả thi, hiệu quả, ổn định trong quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

- Bảo đảm tính công khai, dân chủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cũng tại khoản 4 Điều 5 dự thảo này, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ các từ “nhân đạo”, “kịp thời”. Từ “nhân đạo” mang hàm ý quá rộng nên không đảm bảo được tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đối với từ “kịp thời” tại khoản 5 Điều 4 dự thảo Luật có nội dung quy định về nguyên tắc “kịp thời giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn”.

Thứ ba, tại khoản 1 Điều 7 quy định về ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày và dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh từ “thống nhất” thành “thống nhất một cách hiểu” để đảm bảo làm rõ hơn.

Thứ tư, tại Điều 8 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu gom khoản 1, khoản 2 thành 01 khoản quy định về văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị bãi bỏ nhằm tinh gọn và dễ hiểu.

Thứ năm, tại Điều 26 về điều chỉnh chương trình lập pháp hàng năm, đề nghị quy định rõ điều kiện, nguyên tắc để thực hiện điều chỉnh, tránh việc thực hiện tùy nghi.

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại buổi thảo luận

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu tán thành đối với dự án Luật. Tuy nhiên, cần làm rõ một số nội dung sau:

Đề nghị xem xét lại trình tự xem xét, thông qua dự thảo Luật, Nghị quyết được quy định tại Điều 40, Điều 41, theo đại biểu chỉ nên thảo luận ở Hội trường những vấn đề chưa rõ, cần xin ý kiến; vì thực tế hiện nay, phần lớn ý kiến các đại biểu phát biểu thảo luận tại Tổ và Hội trường đều bị trùng lặp, gây mất thời gian. Đại biểu đề nghị đối với các Ủy ban được giao thẩm tra, khi thẩm tra cần thông báo rộng rãi các đại biểu Quốc hội để các đại biểu có thể tham gia góp ý khi nếu nội dung cần làm rõ, sau đó thống nhất lại các vấn đề đã rõ, vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều để đại biểu tập trung phát biểu tại Hội trường, khi thảo luận tại Hội trường nếu nội dung đạt được sự đồng thuận cao thì thông qua, không thì thực hiện theo quy trình được quy định tại Điều 40, 41; nếu thực hiện theo quy trình như trên thì có thể tránh lãng phí và nâng cao chất lượng góp ý.

Tại Điều 67 dự thảo luật quy định về trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, đại biểu cho rằng quy định này cần cân nhắc thêm, có nên Luật hóa hay không, bởi lẽ các hoạt động của Đảng lãnh đạo toàn diện và đã có các quy định riêng của Đảng, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của Đảng và của nhà nước…

Đồng thời, đại biểu cũng đồng thuận với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, dự thảo Luật lần này có 08 chương, 72 điều, giảm 101 điều nhưng báo cáo, tờ trình chưa nêu rõ vì sao giảm nhiều như vậy, chưa có đánh giá đối với những ưu điểm, hạn chế và tác động của việc giảm các điều luật.

Nhật Linh (lược ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,827
  • Tháng hiện tại92,693
  • Tổng lượt truy cập2,098,592
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây