Giám sát giải quyết kiến nghị cử tri: Cần phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND

Thứ bảy - 13/01/2018 05:00 7 0

Giám sát giải quyết kiến nghị cử tri: Cần phát huy vai trò của Tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND

Sau hơn 01 năm triển khai thực hiện quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015, hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là vai trò của Tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Do vậy, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của HĐND nói chung, các cơ quan của HĐND và từng đại biểu HĐND. Tuy nhiên, khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 ban hành thì hoạt động này mới được quy định cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND các cấp triển khai thực hiện. 

Những kết quả bước đầu 

Để triển khai giám sát, Thường trực HĐND tỉnh có Kế hoạch gửi UBND tỉnh, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung giám sát, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh có báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi Thường trực HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt cho buổi giám sát, trước khi tiến hành giám sát, Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và Văn phòng tiến hành rà soát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri ở các kỳ tiếp xúc trước đó, tập trung chủ yếu là trước và sau kỳ họp thường lệ, trong đó cần làm rõ những vấn đề còn tồn đọng hoặc giải quyết, trả lời chưa thỏa đáng, gửi báo cáo về cho Thường trực HĐND tỉnh. 

Thực hiện yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, chủ yếu là Ban Pháp chế và các Tổ đại biểu đã tập trung rà soát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để kịp thời có phản hồi cho Thường trực HĐND tỉnh. Một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát thực tế việc giải quyết kiến nghị bức xúc của cử tri ở địa bàn, tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát gửi về cho Thường trực HĐND tỉnh để phục vụ cho hoạt động giám sát (có Tổ gửi kèm theo cả tư liệu, hình ảnh minh họa cho nội dung khảo sát).  

IMG20171031085857_Cu_tri_PB.jpg
Cử tri phát biểu ý kiến

Trên cơ sở Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của UBND  tỉnh, kết quả rà soát của các Ban HĐND và Tổ đại biểu HĐND, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã chủ trì tiến hành thẩm tra nội dung Báo cáo theo quy định tại Điều 74 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015. Báo cáo thẩm tra tập trung phân tích làm rõ những mặt được, chưa được và nguyên nhân của những hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh. Thẩm tra của Ban Pháp chế là cơ sở quan trọng để Thường trực HĐND  tỉnh tiến hành làm việc với UBND tỉnh để tổ chức việc giám sát theo quy định. Để kết quả giám sát được đầy đủ và đảm bảo tính khách quan, ngoài Thường trực HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các thành phần khác gồm: Đại diện UBMTTQVN tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành chức năng cũng được mời tham dự buổi giám sát, tham gia đóng góp ý kiến và giải trình làm rõ những vấn đề có liên quan.  

Thông qua kết quả giám sát cho thấy, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh của UBND tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua giám sát, các ý kiến, kiến nghị cử tri đã được UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết nghiêm túc và sát sao hơn. Hầu hết các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố đã tích cực xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo sự phân công của UBND tỉnh. Nhiều nội dung kiến nghị của cử tri đã được giải quyết có hiệu quả trên thực tế, một số nội dung chậm giải quyết cũng đã đưa ra được kế hoạch, lộ trình thời gian giải quyết cụ thể, cơ bản đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.

Vẫn còn những khó khăn, hạn chế

Mặc dù, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định khá cụ thể về thủ tục, trình tự tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhưng do đây là hoạt động khá mới mẻ, các cơ quan, tổ chức thuộc HĐND chưa có nhiều kinh nghiệm, nên khi triển khai hoạt động giám sát này còn gặp một số khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, việc chuẩn bị và tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri lại thường được triển khai trước các kỳ họp HĐND tỉnh. Đây là thời điểm mà Thường trực HĐND, UBND, các Ban của HĐND tỉnh, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan phải tập trung chuẩn bị nội dung trình kỳ họp, nên hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri ít nhiều bị chi phối, việc đầu tư chưa đúng mức.

Theo yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri được UBND tỉnh phân loại theo các tiêu chí như đã trả lời làm rõ, giải quyết dứt điểm; chưa giải quyết dứt điểm… Tuy vậy, có một số nội dung UBND tỉnh cho rằng là đã trả lời rõ, giải quyết dứt điểm nhưng chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của Thường trực HĐND. Một số kiến nghị do chưa được kiểm tra, nắm bắt kết quả cụ thể nên nội dung trả lời của UBND tỉnh chưa chính xác, không phù hợp với thực tế, có nội dung UBND tỉnh đưa vào danh mục “đã giải quyết xong” nhưng qua xem xét của cơ quan thẩm tra, báo cáo của Tổ đại biểu HĐND tỉnh cho thấy nội dung vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, có nội dung UBND tỉnh báo cáo đã giao, đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện, nhưng không nêu cụ thể ở văn bản nào, báo cáo, phản hồi về kết quả thực hiện ra sao? 

Thực tế cho thấy, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh là kênh thông tin có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Thế nhưng, vai trò của các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tham gia vào việc giám sát còn hạn chế, tính tích cực, chủ động chưa cao. Trong khi đó, việc tổ chức giám sát hiện nay chủ yếu thông qua báo cáo của UBND tỉnh và thông tin do đơn vị được giám sát cung cấp, việc khảo sát thực tế, thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến của cử tri về vấn đề được giám sát chưa nhiều, vì thế nên nội dung giám sát, đánh giá việc giải quyết kiến nghị cử tri nhìn chung chưa sâu. 

Tại Điều 74, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 có quy định: “Thường trực HĐND chỉ đạo xây dựng báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và dự thảo nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình HĐND cùng cấp”. Tuy nhiên, với những lý do khách quan và chủ quan, việc này đến nay chưa thực hiện được  

Những khó khăn, hạn chế nêu trên đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, chất lượng, hiệu quả giám sát mang lại có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh và sự kỳ vọng của đông đảo cử tri. 

Một số giải pháp 

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát giải quyết kiến nghị cử tri, từ phân tích thực tiễn hoạt động giám sát thời gian qua cho thấy, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là vai trò của tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND. Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, chủ động trong giám sát, khảo sát kết quả giải quyết của các cơ quan, đơn vị có liên quan đối với các kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách, nhằm bảo đảm các kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời, thoả đáng. Để việc này được thực hiện tốt, Thường trực HĐND tỉnh cần giao nhiệm vụ cho các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá việc giải quyết kiến nghị cử tri thuộc địa bàn ứng cử, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh trước khi tiến hành giám sát, xem đây là yêu cầu bắt buộc đối với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và là một khâu bắt buộc trong quy trình giám sát. Đối với những vấn đề UBND tỉnh trả lời, giải quyết chưa thỏa đáng, yêu cầu các Tổ đại biểu tiến hành khảo sát, thu thập thông tin có liên quan, gửi báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh để phục vụ cho hoạt động giám sát. 

Về phía đơn vị được giám sát, kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu và sớm ban hành quy định về tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến. Trong đó, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND cấp huyện; xác định trách nhiệm của sở, ngành, UBND cấp huyện đối với việc ghi nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, nhất là những nội dung ghi nhận nhưng cần có lộ trình, thời gian giải quyết... Định kỳ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri để kịp thời động viên khen thưởng những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, cũng như nghiêm túc nhắc nhở, phê bình những cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa tốt nhiệm vụ giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. 

Văn Đặng

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay3,803
  • Tháng hiện tại91,873
  • Tổng lượt truy cập2,577,742
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây