Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Chưa hiểu hết hay cố ý bỏ qua?

Thứ sáu - 10/03/2017 15:00 8 0

Mô hình văn phòng HĐND cấp tỉnh: Chưa hiểu hết hay cố ý bỏ qua?

Theo Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội NGUYỄN XUÂN DIÊN: Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc soạn thảo Nghị định 48/2016/NĐ-CP do chưa hiểu hết hay cố ý bỏ qua những quy định mới của Hiến pháp, Luật đã bổ sung và khẳng định địa vị pháp lý, vai trò, trách nhiệm quan trọng của cơ quan HĐND trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền; hoặc họ vẫn còn nặng tư duy thí điểm bỏ cơ quan dân cử cấp huyện, phường trước đó nên “xem nhẹ” hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và HĐND cấp tỉnh, trong đó có Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Vẫn còn nặng tư duy thí điểm

- Lâu nay, khi bàn đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan văn phòng nói chung nhiều ý kiến thường nhấn mạnh đến chức năng phục vụ. Điều này có phù hợp với Văn phòng HĐND cấp tỉnh không, thưa ông?

- Hoạt động của HĐND, tất cả các khâu như: Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Thường trực, các ban HĐND; chương trình ban hành nghị quyết các kỳ họp trong một năm; chương trình giám sát, khảo sát; TXCT, tiếp công dân… đến kế hoạch triển khai các công việc cụ thể, Văn phòng đều chắp bút tham mưu đầu tiên, trình Thường trực, lấy ý kiến các ban, sau đó Văn phòng hoàn thiện.


Hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh phụ thuộc không nhỏ chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ 
của Văn phòng 
Ảnh: Thanh Bình

Ngoài tham mưu về nội dung, Văn phòng còn tham mưu về con người, cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm hoạt động HĐND đạt kết quả. Vai trò tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND cấp tỉnh càng được nhấn mạnh hơn trong điều kiện nhiệm vụ của cơ quan dân cử được tăng lên; đại biểu HĐND chuyên trách dù đã tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng đại biểu kiêm nhiệm vẫn chiếm đa số. Có thể khẳng định, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh phụ thuộc không nhỏ chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ của Văn phòng.

- Vai trò quan trọng là vậy, nhưng mô hình Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo Nghị định 48 của Chính phủ đã không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thậm chí, có ý kiến còn cho đây là bước thụt lùi so với Nghị quyết 545 của UBTVQH. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Với các quy định của Hiến pháp và luật, từ thực tiễn nhiệm vụ quản lý, điều hành của Nhà nước ở từng địa phương càng thấy khối lượng công việc của Thường trực, các ban HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ này được tăng lên rất nhiều, đòi hỏi bộ phận tham mưu, giúp việc cũng cần được tăng cường, tương xứng.

Có thể đánh giá rằng: Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì việc soạn thảo Nghị định 48/2016/NĐ-CP quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa hiểu hết hay “cố ý bỏ qua” những quy định mới của Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND… đã bổ sung và khẳng định địa vị pháp lý, vai trò, trách nhiệm rất quan trọng của HĐND trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền; hoặc họ vẫn còn nặng tư duy thí điểm bỏ cơ quan dân cử cấp huyện, phường trước đó nên “xem nhẹ” hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và với HĐND cấp tỉnh, trong đó có cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Có một thực tế ở hầu hết các địa phương, trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, tâm lý chung là “rất e ngại” các hoạt động khảo sát, giám sát, chất vấn của cơ quan dân cử. Vì vậy, thường “mong muốn” làm sao để chất lượng, hiệu quả hoạt động trên của cơ quan dân cử giảm đi. Mà hiệu quả của việc giám sát, khảo sát; chất lượng ban hành các nghị quyết của HĐND có sự đóng góp rất quan trọng từ công tác tham mưu, phục vụ, giúp việc của Văn phòng HĐND. Điều này cũng lý giải việc cơ quan soạn thảo đã không tiếp thu những đóng góp xác đáng để ban hành một nghị định không phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tránh tâm lý “e ngại”

- Những bất cập của Nghị định 48, nhất là việc không thành lập các phòng chuyên môn là gì, thưa ông?

Nghị định 48 của Chính phủ mới chỉ tính đến việc tinh giản biên chế một cách cơ học. Đây là tư duy chưa ổn. Nếu vì thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị mà siết chặt biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh để “bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn” thì rõ ràng là quy định rất tùy tiện, chưa hiểu rõ thế nào là “tinh giản biến chế” và mục tiêu mà Nghị quyết số 39/NQ-TW đã đề ra. “Tinh giản” không có nghĩa là bằng mọi cách giảm số lượng người làm việc, giảm số lượng biên chế, mà cái chính là thông qua tinh giản biên chế, phải góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tinh giản được thực hiện trong tổng thể hệ thống chính trị, chỗ không cần thì nhất thiết giảm, chỗ cần vẫn phải giữ nguyên, thậm chí phải bổ sung chứ không phải áp đặt giảm đối với tất cả các cơ quan.

- Có thể nói, Nghị định 48 của Chính phủ quy định không rõ về địa vị pháp lý; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh; còn đơn giản, chưa đầy đủ, thiếu tính khoa học và thực tiễn. Có lẽ chỉ vì “sự cần thiết về tinh giản bộ máy, biên chế...”  đã làm cho địa vị pháp lý của Văn phòng HĐND cấp tỉnh - tương đương cấp sở bị lu mờ, nên rất khó hoạt động hiệu quả...

Theo quy định tại Nghị định này, Văn phòng HĐND tỉnh - cơ quan duy nhất tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND chỉ có 2 phòng, mỗi phòng có một Trưởng phòng và một Phó Trưởng phòng. Trước đó, theo Nghị quyết 545 của UBTVQH (thời điểm số đại biểu chuyên trách HĐND cấp tỉnh chưa tăng; chưa có Ban Đô thị đối với HĐND các tỉnh, thành phố lớn): Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có 4 phòng. Thực hiện theo các quy định của Nghị định số 48 nay chỉ còn lại 2 phòng. Số phòng và lãnh đạo phòng giảm, trong khi mỗi bộ phận tham mưu, giúp việc cho các ban đòi hỏi phải có người phụ trách. Nếu các chuyên viên đều có vị trí ngang nhau thì rất khó “chỉ huy” bộ phận nhỏ đó hoạt động hiệu quả. 

Nghị định 48 cũng có nhiều điều không rõ ràng như: Điều 2 - Nhiệm vụ, quyền hạn với 18 khoản, không rõ và bị chồng chéo đâu là tham mưu, đâu là giúp việc và đâu là phục vụ. Không phân định được mối quan hệ và chức trách của Văn phòng đối với Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND; mối quan hệ của Văn phòng với Văn phòng HĐND và UBND cấp quận, huyện... Hay, Khoản 13 Điều 2 quy định: “Được ký văn bản thông báo ý kiến, kết luận của Thường trực HĐND cấp tỉnh; được quyền đề nghị hoặc yêu cầu các đơn vị cùng cấp, cấp dưới phối hợp thực hiện nhiệm vụ;…” không phù hợp với Luật Ban hành văn bản QPPL; nội hàm “cùng cấp” và “cấp dưới”?... Văn phòng là cơ quan có đủ tư cách pháp nhân, Chánh Văn phòng là chủ tài khoản; nhưng kinh phí hoạt động lại nằm trong kinh phí của HĐND? Rồi vấn đề về tổ chức, ai có thẩm quyền ký quyết định bổ nhiệm… lãnh đạo Văn phòng?... Nghị định 48 còn thiếu sót chưa quy định về các chế định này.

Với những quy định còn thiếu sót khá nhiều như vậy, Chính phủ cần có chỉ đạo sớm xem xét để bổ sung sửa đổi Nghị định 48.

- Vậy theo ông, để Văn phòng HĐND cấp tỉnh thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc và phục vụ các hoạt động của HĐND, Nghị định 48 cần được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

- Trong hệ thống cơ quan nhà nước, địa vị pháp lý của Văn phòng HĐND cấp tỉnh phải được xác định rõ; mối quan hệ với Văn phòng HĐND - UBND các quận, huyện như thế nào cũng cần được quy định. Mô hình tổ chức Văn phòng HĐND ở các tỉnh, thành phố lớn quy định số lượng Chánh, Phó Văn phòng; số lượng các phòng chuyên môn phải tương ứng. Đặc biệt, cần thành lập các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng HĐND cấp tỉnh, có thể có Phòng Tổng hợp, tổng hợp các hoạt động và tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND; Phòng chuyên môn, tham mưu cho các ban; phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị; Phòng Thông tin - Dân nguyện. Bên cạnh đó, cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để thu hút cán bộ có năng lực, kinh nghiệm; lưu ý việc luân chuyển cán bộ để tạo cơ hội phát triển cho anh em… tránh tâm lý “e ngại” khi được phân công về làm việc ở cơ quan dân cử.

 - Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN PHƯƠNG thực hiện
(Theo báo điện tử đại biểu nhân dân)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay13,586
  • Tháng hiện tại261,150
  • Tổng lượt truy cập2,481,244
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây