Để đánh giá những kết quả đạt được và những thuận lợi, khó khăn, hạn chế, tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan. Đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền những nội dung về hoàn thiện chính sách, pháp luật, những giải pháp để tiếp tục nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Sáng ngày 26/9/2024, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), Cục Quản lý thị trường tỉnh; trước khi tiến hành giám sát, Đoàn giám sát đã tiến hành khảo sát làm việc trực tiếp với Cục Hải quan; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND thị xã Trảng Bàng; UBND thành phố Tây Ninh và UBND huyện Tân Biên (Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện); Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Xa Mát và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Mộc Bài; Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài và khảo sát qua báo cáo đối với 05 sở, ngành: Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thuế tỉnh.
Chủ trì buổi giám sát là ông Trương Nhật Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh. Tham dự cùng Đoàn giám sát có bà Nguyễn Đài Thy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Tỉnh ủy viên – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Nguyễn Văn Vi – Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng lãnh đạo chuyên trách các Ban, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Đơn vị được giám sát có ông Trần Văn Chiến – Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) cùng thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý thị trường báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành và của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh từ ngày 01/01/2023 đến 30/6/2024. Theo đó, trong kỳ giám sát, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các cơ quan thành viên, nòng cốt là Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện biên giới, Ban quản lý Khu công nghiệp, khu chế xuất,… căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện sát sao công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các hoạt động quản lý, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan, bán hàng miễn thuế, sản xuất xuất khẩu, gia công, vận chuyển hàng hóa; xác định cụ thể tuyến, địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, phương thức, thủ đoạn; tuyên truyền pháp luật, thực hiện văn minh thương mại; kiểm tra, xử lý đối với các đối tượng mang vác hàng hóa qua đường mòn biên giới, các trường hợp vi phạm trong khu vực thị trường nội địa về việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả; tăng cường quản lý hóa đơn, chứng từ nhằm phòng ngừa gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách nhà nước. Cụ thể trên các lĩnh vực như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; công tác tuyên truyền, vận động, tuần tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hoá vận chuyển qua biên giới; hoạt động của BCĐ 389 các cấp; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh, ngoài tỉnh và với lực lượng chức năng phía Campuchia trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả; công tác kiểm tra về giá chống đầu cơ găm hàng; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh; lĩnh vực chống thất thu thuế; phòng chống phá rừng mua bán vận chuyển và chế biến lâm sản; thông tin và truyền thông; nông nghiệp; đo lường chất lượng hàng hóa,...
Tại buổi khảo sát, thành viên Đoàn đặt các vấn đề xoay quanh về công tác đánh giá nguyên nhân của đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn lối mở ở khu vực biên giới; Kho bãi để bảo quản tang vật, phương tiện, tài sản, hàng hoá bị tịch thu chờ thanh lý, xử lý tại các đơn vị chưa được đầu tư, một số kho bãi được đầu tư thì không đảm bảo diện tích, điều kiện; Việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn hạn chế. Hầu hết các khu vực cửa khẩu quốc tế, quốc gia trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được triển khai quy hoạch, xây dựng đã lâu, cơ sở hạ tầng và hiện trạng phân luồng giao thông hiện tại đã không còn phù hợp, xuống cấp, hoặc có đơn vị chưa được đầu tư đầy đủ các hạng mục công trình, nhất là địa điểm tập kết phương tiện, hàng hoá để thực hiện các thủ tục kiểm tra, kiểm soát thủ tục hải quan tại hầu hết các cửa khẩu quốc tế, quốc gia hầu hết chưa đảm bảo quy hoạch, không đạt chuẩn, quá tải, thậm chí có cửa khẩu còn chưa được đầu tư; Ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc), các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số, thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, Facebook khó kiểm soát; Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và với địa phương có lúc chưa kịp thời; Công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin giữa các ngành chức năng, các huyện, thành phố đôi khi còn bất cập và chưa kịp thời. Hoạt động lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu qua địa bàn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; kết quả tiếp nhận từ người dân trong công tác đấu tranh phòng chống buộn lậu, gian lận thương mại,…
Các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tham dự đã được lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh giải trình làm rõ.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phát huy những kết quả đạt được, đề ra những giải pháp khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, đồng thời bổ sung phần đánh giá kết quả đạt được, số liệu có so sánh giai đoạn trước để làm nổi bật tính hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn giám sát. Đánh giá phân tích sâu hơn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc mà buổi giám sát đặt ra; từ đó đề ra những giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Nhất là tập trung phần đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc