Sáng ngày 21/8, Đoàn Công tác số 1 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh do ông Nguyễn Việt Cường - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát và làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc
Báo cáo với Đoàn khảo sát tại buổi làm việc về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm Chi cục cho biết giai đoạn 2022-2023: trong vai trò tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện về an toàn vệ sinh thực phẩm đơn vị đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 30 kế hoạch, 04 quyết định, 05 công văn; tổ chức thanh tra, kiểm tra 221 cơ sở, đã phát hiện 27 cơ sở vi phạm, nhắc nhở 7 cơ sở, xử phạt hành chính 10 cơ sở với tổng số tiền là 48.486.000 đồng; trong tổ chức vận động, triển khai, thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm kết quả đã thực hiện được 12.375 lượt phát thanh, nói chuyện 79 buổi/1.998 người, băng rol 396 cái, đĩa âm 103 đĩa, tờ rơi 28.180 tờ rơi, tuyên truyền lồng ghép được 92 cuộc với 3.958 lượt người tham dự, 04 bản tin, 16 bài viết, xe loa tuyên truyền 40 lượt, truyền hình (lượt) 01 bài, 16 sổ tay tuyên truyền, điều tra KAP tỉ lệ đạt đều trên 90%; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2023 đã xảy ra 07 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 người mắc, trong đó có 02 người tử vong, công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các cuộc họp, hội nghị, các kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đơn vị gặp phải như: công tác quản lý an toàn thực phẩm được phân công cho 03 ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp, tồn tại một số nội dung chưa thống nhất, dẫn đến khó khăn cho người dân trong thực hiện hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm; nhân lực phụ trách công tác an toàn vệ sinh thực phẩm của tuyến huyện và tuyến xã còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa đủ sức quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn. Công tác kiểm tra ở cấp xã còn hạn chế, chủ yếu nhắc nhở khi cơ sở vi phạm, chưa tổ chức xử phạt; một số cơ sở chưa nắm bắt hết các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nên vẫn còn sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông ra thị trường. Các hộ kinh doanh ở các chợ truyền thống không lấy nguyên liệu từ một nơi cố định mà lấy từ nhiều nguồn khác nhau, lấy qua nhiều đầu mối trung gian hoặc kinh doanh bằng hình thức sang tay không có hóa đơn, chứng từ nên gặp khó khăn trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc; hoạt động mua bán, quảng cáo thực phẩm được diễn ra trên tất cả các kênh, nhất là trên các nền tảng số, thương mại điện tử, mạng xã hội như Zalo, facebook, youtube, tiktok…đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch làm cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, còn thiếu, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành còn chậm, một số quy định còn chồng chéo gây khó khăn cho việc áp dụng: Việc quy định trách nhiệm về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo ngành, lĩnh vực như hiện nay khiến một số hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát bị chồng chéo, khó phân định.
Tại buổi làm việc Đoàn khảo sát cũng trao đổi một số vấn đề để làm rõ thêm như: Sau khi có Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 05/12/2022 của UBND tỉnh về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh các đơn vị có gặp khó khăn gì trong việc triển khai thực hiện và đề xuất kiến nghị gì trong thời tới; đề nghị ngành nêu rõ hơn về khó khăn ngành gặp phải trong việc quy trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm theo ngành, lĩnh vực khiến một số hoạt động quản lý, kiểm tra giám sát bị chồng chéo, khó phân định; đơn vị cho biết thêm việc xây dựng phương án ứng phó đối với trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; đề nghị ngành cho biết sau khi thanh tra, kiểm tra phát hiện những vi phạm đơn vị có xây dựng kế hoạch tuyên truyền sau thanh tra, kiểm tra không.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Cường - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Chi Cục quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông thay đổi hành vi người tiêu dùng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Có giải pháp huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và tầng lớp Nhân dân trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh hoạt động giám sát chất lượng sản phẩm thực phẩm. Tham mưu xây dựng ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến xã, phường về lĩnh vực ATTP. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng biết không sử dụng những sản phẩm mất an toàn. Kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực của bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng đồng bộ, một đầu mối, trong đó cần tập trung kiện toàn các cơ quan chuyên ngành phụ trách chính về ATTP ở từng địa phương.
Võ Nhung
Ý kiến bạn đọc