Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 02/06/2022 00:00560
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn Tây Ninh đánh giá cao các chủ trương, chính sách, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ban hành rất kịp thời, đủ mạnh, đúng hướng, phối hợp nhịp nhàng, và đi vào thực tiễn có hiệu lực, hiệu quả; Các chỉ số vĩ mô được giữ vững, tạo tiền đề, điều kiện quan trọng bậc nhất thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận
Tuy nhiên, đại biểu Phương cho rằng vẫn còn sự chậm trễ trong xây dựng, phê duyệt các quy hoạch và chưa kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập, chồng chéo trong một số lĩnh vực nhất là đất đai, xây dựng, đầu tư; Giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Chính sách tài khóa - tiền tệ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đi vào thực tiễn sản xuất và đời sống vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết. Tính kịp thời, thủ tục giải quyết và tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trên phạm vi cả nước vẫn xuất hiện những bất cập. Nhiều doanh nghiệp, người lao động, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh chậm được thụ hưởng. Đại biểu Phương nhận định, đây là gói chính sách, biện pháp không chỉ thuần túy nhằm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thể hiện rõ bản chất chế độ xã hội, tính nhân văn và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Các yếu tố đầu vào của sản xuất và đầu ra của nhiều loại sản phẩm hàng hóa vẫn còn phụ thuộc lớn vào một thị trường; Nông nghiệp vẫn thể hiện rõ tình trạng sản xuất manh mún, nông hộ, truyền thống, tự phát, xuất khẩu nông sản tiểu ngạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn; việc kiểm soát giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập; Tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Phương, những tháng vừa qua do phải tập trung vào phòng chống dịch bệnh, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng kẻ hở để "đục nước béo cò", tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, hàng giả, hàng lậu; thao túng thị trường trái phiếu, chứng khoán; thao túng thị trường bất động sản thông qua đấu giá, nâng giá; thao túng thị trường vật tư y tế, thuốc chữa bệnh và xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh; lợi dụng truyền thông, mạng xã hội tuyên truyền, xuyên tạc gây tâm lý hoang mang, hoảng loạn thị trường. Những thủ đoạn đó thấy cả ở khu vực công và tư gây bức xúc trong xã hội.
Qua đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý một cách thực chất, nhất là người đứng đầu; Tiếp tục thực hiện linh hoạt, kịp thời giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, vừa giữ vững lạm phát và kìm chế nợ xấu; Điều chỉnh, bổ sung chính sách hợp lý khuyến khích đổi mới kỹ thuật công nghệ; phát triển doanh nghiệp, cơ sở kinh tế dựa trên thành tựu mới về kỹ thuật công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Có giải pháp thích hợp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, thị trường vốn quốc tế và trong nước; Đổi mới, từng bước đi vào chiều sâu và bền vững trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Tiếp tục có biện pháp pháp luật, tổ chức, hành chính, kinh tế đủ mạnh nhằm ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa bộ máy quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp kể cả khu vực công và tư.
Song song đó, đại biểu Phương cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động là thu nhập phải đảm bảo cuộc sống. Trong cơn đại dịch covid – 19 vừa qua, rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động bị ảnh hưởng, không đủ trang trãi, rất khó khăn trong cuộc sống nhưng chưa được quan tâm thỏa đáng. Thu nhập chính từ lương hằng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn liêm sĩ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động; Do đó, đại biểu Phương kiến nghị cần nhanh chóng có các biện pháp hữu hiệu thực hiện ngay lộ trình cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của lao động khu vực này và cần nhận thức rằng đây là khoản đầu tư nguồn lực con người, đầu tư cho sự phát triển, là nguồn lực nội sinh quan trọng làm động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội nước ta.
Thanh Tâm (lược ghi)