Khi Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hiệu lực thi hành, Tây Ninh là một trong những tỉnh nghiêm túc thực hiện quy định này. Đến nay đã gần 07 tháng vận hành cơ cấu tổ chức bộ máy mới, có thể nói, hoạt động của Văn phòng đang chịu áp lực rất lớn vì quá tải công việc !
Thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp tiếp tục được hoàn thiện, chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp được tăng cường, số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên đáng kể ở cấp tỉnh, huyện. Nhưng điều đáng nói ở đây là, trong khi cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và nhân sự chuyên trách tăng lên thì bộ máy giúp việc không những không tăng mà ở cấp tỉnh thì “tóp lại” theo quy định mới, đối với cấp huyện, xã, công tác tham mưu, phục vụ hoạt động HĐND vốn chưa rõ ràng thì ngày càng khó khăn hơn về nhân sự.
Tỉnh: Áp lực đè lên cấp phòng!
Ngày 15/7/2016, Nghị định 48 có hiệu lực thi hành, ngày 28/7/2016, Thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, bộ máy Văn phòng HĐND tỉnh. Như nhiều tỉnh khác, Văn phòng HĐND tỉnh Tây Ninh cũng thành lập 02 phòng là phòng tổng hợp và hành chính – tổ chức – quản trị. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của phòng hành chính – tổ chức – quản trị cơ bản đã rõ ràng và phù hợp kể từ lúc mới tách Văn phòng HĐND tỉnh từ Văn phòng HĐND – UBND tỉnh vào năm 2004 theo Nghị định 133/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Riêng phòng tổng hợp, đây là bộ phận có nhiều thay đổi nhất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, phục vụ cho HĐND tỉnh, và là một bộ phận tạo ra nhiều phản ứng, bất bình, nhiều ý kiến đề nghị phải thay đổi trong thời gian vừa qua.
Khen thưởng hoạt động HĐND huyện, thành phố
Hoạt động HĐND tỉnh, mà trực tiếp là Thường trực HĐND, các Ban HĐND dựa vào công tác tham mưu, giúp việc của phòng tổng hợp là chính. Ở Tây Ninh, phòng tổng hợp được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai phòng là phòng công tác HĐND và phòng dân nguyện – thông tin. Với 01 Trưởng phòng và 01 Phó phòng, vừa làm nhiệm vụ quản lý, vừa trực tiếp tham mưu hoạt động của Thường trực HĐND, và 08 chuyên viên, trong đó: có 06 chuyên viên phục vụ cho các Ban, 01 chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin, 01 chuyên viên phụ trách tổng hợp và hoạt động tiếp xúc cử tri. Theo phân công công việc, mỗi lãnh đạo phòng phụ trách từ 14-15 nhiệm vụ, ngoài trực tiếp tham mưu, giúp việc hoạt động của Thường trực, còn theo dõi, tham mưu hoạt động của các Ban, phụ trách Cổng thông tin điện tử HĐND, chương trình Tiếng nói cử tri của HĐND, thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm của Chi bộ, Công đoàn,... Như vậy, thực hiện quy định mới thì áp lực công việc lớn nhất đè nặng lên vai lãnh đạo phòng, nên thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay còn chạy theo sự vụ, sự việc, thiếu tính chủ động và mang nặng tính phục vụ theo yêu cầu của các cấp lãnh đạo.
So sánh các mô hình Văn phòng HĐND tỉnh kể từ khi được hình thành đến nay, có thể thấy, mô hình Văn phòng theo Nghị định 133 có 2 phòng (Phòng tổng hợp; Phòng hành chính - quản trị) với biên chế từ 10 – 13 người, thực hiện 11 nhiệm vụ, còn mô hình Văn phòng theo Nghị định 48 cũng có 02 phòng như mô hình theo Nghị định 133, nhưng thực hiện đến 18 nhiệm vụ, trong đó, có nhiều nhiệm vụ mới theo Luật tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt là hoạt động giám sát của HĐND và vai trò của Thường trực HĐND tỉnh đã được tăng cường nhiều hơn so với trước đây. Qua quá trình hoạt động, để đáp ứng yêu cầu thực tế, số lượng biên chế của Văn phòng HĐND các tỉnh, thành phố đã tăng nhiều so với trước đây, nhưng Chính phủ lại áp mô hình cũ vào thực tiễn mới là điều không phù hợp.
Bộ máy giúp việc cấp huyện, xã: Nhiều trăn trở!
Đối với cấp huyện, theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, có quy định vài dòng về công tác tham mưu, giúp việc cho HĐND, cụ thể Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có nhiệm vụ “Tham mưu tổng hợp cho Hội đồng nhân dân”, “cung cấp thông tin phục vụ quản lý và hoạt động của Hội đồng nhân dân”, “bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Hội đồng nhân dân”. Trên thực tế, công tác giúp việc, phục vụ và tham mưu cho HĐND cấp huyện do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định và thường được giao cho một đến hai chuyên viên Văn phòng HĐND – UBND huyện phụ trách và một lãnh đạo Văn phòng kiêm nhiệm (đa số do Phó Chánh Văn phòng phụ trách), có nhiệm vụ theo dõi hoạt động HĐND, có nơi từ khi thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu chuyên trách tăng lên thì giao luôn công tác tham mưu, giúp việc HĐND cho... lãnh đạo Ban chuyên trách. Người phụ trách tham mưu, giúp việc cho HĐND huyện thực hiện nhiệm vụ từ tham mưu đến phục vụ, có nơi kiêm luôn nhiệm vụ văn thư, hành chính cho HĐND huyện, và còn phụ trách một số nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho UBND huyện.
Còn đối với cấp xã - nơi bức xúc nhất về nhân sự, biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước - theo quy định tại Thông tư 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho HĐND được giao cho công chức Văn phòng – Thống kê, tuy nhiên, thực tế công chức này chỉ thực hiện các nhiệm vụ của UBND cấp xã thì đã chịu áp lực rất lớn rồi, nên hoạt động của HĐND chỉ có thể giao cho đại biểu chuyên trách duy nhất là... vị Phó Chủ tịch HĐND xã vừa là người chủ trì, vừa là người tham mưu, phục vụ các mặt hoạt động HĐND. Và bộ máy giúp việc này từ lúc chưa có đến khi Luật tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành vẫn không có gì thay đổi.
Với sự sắp xếp nhân sự như thế, thì nhất thiết bộ máy giúp việc phải có những con người thực sự năng động, tài giỏi xuất chúng, am hiểu tất cả các lĩnh vực thì mới có thể giúp cho hoạt động của HĐND các cấp thực sự có hiệu lực, hiệu quả. Nhưng trên thực tế thì không như vậy, bộ máy giúp việc hiện nay nhìn chung không đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến hoạt động HĐND, nhất là ở cấp huyện, xã có nhiều khó khăn, hạn chế như hiện nay là điều rất dễ hiểu.
Cần đổi mới chứ không phải áp đặt
Qua thực tiễn hoạt động có thể thấy rằng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân có sự đóng góp không nhỏ từ công tác tham mưu của bộ máy giúp việc. Và tại Điều 127, Luật tổ chức chính quyền địa phương có quy định: “Chính phủ quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ... Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện và việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân... cấp xã”. Thế nhưng, đáp lại sự cấp thiết, hay sự đòi hỏi gấp rút của thực tiễn, Nghị định 48 lại được ban hành một cách vội vàng, thiếu những căn cứ vững chắc, chưa tiếp thu các ý kiến góp ý rất cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của các địa phương, thể hiện rõ sự chủ quan, và không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Và có thể nói, đây là sự thụt lùi về mặt cơ chế tổ chức bộ máy giúp việc của HĐND tỉnh… Đối với bộ máy giúp việc HĐND cấp huyện, xã đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì, lại tiếp tục chờ… đợi …. mà không biết Chính phủ có quy định hướng dẫn cụ thể hơn nữa không?
Hiện nay, trước áp lực rất lớn về thực hiện tinh giảm biên chế, việc xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy gọn nhẹ, năng động, hiệu quả là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu đổi mới của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để dồn Văn phòng HĐND tỉnh, bộ máy giúp việc cho HĐND cấp huyện, xã vào một góc hẹp, để rồi hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện của người dân, thay mặt người dân thực hiện quyền dân chủ bị hạn chế vì bộ máy giúp việc không đủ nguồn lực. Hoạt động HĐND là hoạt động đặc thù của cơ quan dân cử, có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, việc thành lập Văn phòng, cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc phải căn cứ điều kiện thực tiễn của chính quyền địa phương, và phải có sự đồng bộ, tương thích với các cơ quan cùng cấp khác, và đáp ứng yêu cầu tham mưu ngày càng chuyên sâu trong hoạt động HĐND.
Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 48 cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, ngoài quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thêm các phòng chuyên môn để chuyên sâu các lĩnh vực (kinh tế - ngân sách, văn hóa – xã hội, pháp chế), cần quy định rõ ràng, thống nhất bộ máy giúp việc cho Hội đồng nhân dân cấp huyện có từ 3-4 biên chế tham mưu, giúp việc, phục vụ cho hoạt động HĐND, chưa kể bộ phận hành chính của Văn phòng phải phục vụ chung cho HĐND và UBND huyện; đối với cấp xã thì có 01 công chức thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Có như vậy, hoạt động HĐND mới ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
VP (NM)