Giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Thứ hai - 23/10/2017 18:00 10 0

Giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân

Giám sát là một trong những chức năng chủ yếu của HĐND, là hoạt động thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND do pháp luật quy định. Thực hiện tốt chức năng giám sát không những giúp HĐND đánh giá hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, các nghị quyết của HĐND, mà còn giúp HĐND nắm được sự không phù hợp của các quy định của Trung ương, Nghị quyết do HĐND ban hành, qua đó kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của HĐND.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện công tác giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh còn nhiều vấn đề cần được quan tâm thực hiện như: chưa giám sát toàn diện theo quy định của pháp luật, nhiều lĩnh vực còn bỏ ngỏ, chưa được tập trung giám sát; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nhiều mặt còn hạn chế,… Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giám sát, trong đó, có nguyên nhân từ công tác tham mưu, phục vụ của đội ngũ chuyên viên Văn phòng chưa đáp ứng yêu cầu. 
 
Giamsat_1_17.jpg
Thường trực HĐND tỉnh khảo sát hoạt động của Trung tâm GDLĐXH tỉnh

Nhân lực hạn chế!

Bộ phận tham mưu chính cho hoạt động giám sát của HĐND tỉnh là Phòng Tổng hợp thuộc Văn phòng HĐND tỉnh, với số lượng biên chế hiện có là 10 người (bao gồm cả lãnh đạo phòng), trong đó, thực hiện công tác tham mưu chính cho hoạt động giám sát có 06 chuyên viên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phòng tổng hợp đã tham mưu, phục vụ thực hiện 30 cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND; đồng thời tham mưu thực hiện các hoạt động giám sát khác như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri; tham mưu các Ban thẩm tra báo cáo trình kỳ họp theo quy định; tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND. 

Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban, lãnh đạo Văn phòng HĐND, chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Phòng tổng hợp có nhiều chuyển biến tích cực: chủ động tham mưu thực hiện các nội dung theo chương trình giám sát hàng năm của Thường trực, các Ban HĐND; công tác chuẩn bị được thực hiện ngày càng chu đáo hơn, từ khâu nghiên cứu, tổng hợp tài liệu, đến việc dự thảo đề cương, kế hoạch, báo cáo giám sát, cơ bản đảm bảo đúng tiến độ chương trình, kế hoạch đề ra, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, chất lượng báo cáo giám sát ngày càng được nâng lên; đồng thời, còn chủ động tham mưu các nội dung đưa vào chương trình giám sát, các vấn đề đưa ra chất vấn tại kỳ họp, các nội dung để tổ chức phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Phòng cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Công tác tham mưu hoạt động giám sát của một số chuyên viên ít đổi mới, thiếu cập nhật, có những nội dung chưa bảo đảm tham mưu thực hiện theo quy định mới, chưa chủ động trong tham mưu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực, các Ban HĐND (giám sát văn bản quy phạm pháp luật); việc theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết HĐND tỉnh, theo dõi, rà soát các kiến nghị sau giám sát, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị cử tri của đội ngũ chuyên viên còn hạn chế. Do đó, chất lượng tham mưu nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đảm bảo tính khách quan, toàn diện, hệ thống hoạt động giám sát của HĐND.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể tựu chung ở một số nguyên nhân chính như: Theo quy định pháp luật mới, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, các cơ quan của HĐND tăng lên, số lượng lãnh đạo chuyên trách của HĐND được tăng cường, yêu cầu tham mưu, phục vụ ngày càng cao, phạm vi lĩnh vực tham mưu rộng, khối lượng công việc ngày càng nhiều nhưng nhưng đội ngũ chuyên viên tham mưu, phục vụ ít, một số còn hạn chế về năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Hoạt động tham mưu, phục vụ giám sát của chuyên viên bao quát nhiều công việc từ tham mưu nội dung đến công tác hậu cần, nhưng chưa xây dựng được bản mô tả công việc chi tiết để chủ động trong thực hiện công việc. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các văn bản pháp luật mới có nội dung còn chưa sâu; kinh nghiệm, kiến thức và trình độ của chuyên viên còn hạn chế; phạm vi công việc tham mưu, phục vụ của HĐND đòi hỏi phải có tính bao quát, phải vận dụng nhiều kiến thức từ lý luận đến thực tiễn thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ, nhưng chưa chủ động nghiên cứu nắm thông tin để vận dụng vào công việc; việc theo dõi, tham mưu phúc tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị qua giám sát, thẩm tra, chất vấn, giải trình, giải quyết ý kiến cử tri, khiếu nại tố cáo… còn hạn chế.

Giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát 

Để nâng cao chất lượng tham mưu của Văn phòng HĐND tỉnh nói chung, của Phòng tổng hợp nói riêng đối với hoạt động giám sát của HĐND, cần quan tâm thực hiện những giải pháp như sau:

* Trong tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát

Cần tích cực nghiên cứu, nắm vững quy trình hoạt động giám sát; các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước; chức năng nhiệm vụ và quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị tại địa phương; theo dõi thường xuyên hoạt động của các cơ quan, đơn vị qua các báo cáo gửi đến HĐND để nắm tình hình, phục vụ cho công tác thẩm tra, giám sát. Bên cạnh đó, nghiên cứu qua nhiều kênh thông tin từ văn bản, tài liệu, thông tin trên báo chí, tham dự các cuộc họp, hội nghị, qua phục vụ tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát,…để dần nâng cao trình độ nhận thức, phục vụ cho công tác tham mưu ngày càng tốt hơn.
 
Giamsat_2_2017.jpg
Giám sát chuyên đề của Ban Kinh tế - Ngân sách

Đối với việc tham mưu hoạt động giám sát chuyên đề, ngoài việc thực hiện đúng theo quy trình quy định, đối với từng chuyên đề cần xác định nội dung trọng tâm của chuyên đề, để nghiên cứu và thu thập tài liệu; khi xây dựng đề cương báo cáo cần xác định rõ phạm vi, thời kỳ đánh giá, những nội dung cần thiết nên lập các mẫu biểu để thu thập đầy đủ số liệu, phục vụ cho việc đưa ra các phân tích, đánh giá, so sánh trên cơ sở định lượng cụ thể, có tính thuyết phục cao.

Đối với việc rà soát, theo dõi thực hiện kiến nghị: Để có cơ sở trong việc rà soát, đối chiếu kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, cần tham mưu Thường trực và các Ban khi xây dựng thông báo kết luận hoặc báo cáo giám sát cần quy định rõ thời hạn báo cáo kết quả hoặc tiến độ thực hiện các kiến nghị trên văn bản.

Đối với việc tham mưu hoạt động thẩm tra, báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực cần có đánh giá kết quả thực hiện so với các chỉ tiêu, kế hoạch do HĐND đã đề ra tại kỳ họp cuối năm trước, trước khi đi vào phân tích từng vấn đề cụ thể. Đối với những nội dung đưa ra nhận định, đánh giá trong báo cáo thẩm tra cần có số liệu, chứng cứ cụ thể để bảo đảm tính chính xác của nhận định, đánh giá đó.

Cung cấp đầy đủ, chi tiết, cụ thể những nội dung có liên quan đến nội dung giám sát, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đại biểu tham gia giám sát, tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư nhiều hơn cho nội dung giám sát, nhằm đạt mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. 

* Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh trong tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát.

Hoạt động giám sát của HĐND được pháp luật quy định với nhiều hình thức và chủ thể giám sát, do đó, trong điều kiện đa số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, đội ngũ chuyên viên tham mưu, giúp việc còn hạn chế, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, lãnh đạo Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh cần ưu tiên, lựa chọn nội dung tập trung giám sát phù hợp đối với từng chủ thể giám sát, để tận dụng một cách tối ưu các nguồn lực hiện có trên cơ sở quy định của pháp luật.

Đối với HĐND, tập trung thực hiện các hình thức giám sát đó là xem xét các báo cáo công tác, xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp và giám sát chuyên đề. Việc xem xét báo cáo công tác của các cơ quan là hình thức chỉ được quy định trong hoạt động giám sát của HĐND. Đối với xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp thì được xem là hình thức giám sát mang tính hiệu lực và hiệu quả nhất của HĐND, HĐND có thể ban hành nghị quyết về chất vấn đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, trách nhiệm thi hành và báo cáo kết quả thực hiện. Đối với giám sát chuyên đề, sẽ tập trung vào những chuyên đề có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
giamsat_3_2017.jpg
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh về chuyên đề công tác khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập đi khảo sát thực tế tại Phòng khám đa khoa khu vực Tân Đông (Tân Châu)

Đối với Thường trực HĐND, tập trung cho 02 hình thức là giám sát chuyên đề và tổ chức hoạt động giải trình. Mặc dù, trong các hoạt động giám sát của Thường trực có quy định hình thức chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp của Thường trực nhưng chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề và nghe người bị chất vấn trả lời, mà không có kết luận chất vấn. Do đó, Thường trực không nhất thiết phải tổ chức phiên chất vấn giữa hai kỳ họp. Trong khi đó, hình thức tổ chức hoạt động giải trình là do Thường trực HĐND chủ động quyết định trên cơ sở những vấn đề mà Thường trực HĐND quan tâm; sau đó Thường trực xem xét, thông qua kết luận vấn đề được giải trình; cơ quan, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND. 

Còn đối với hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, nội dung không quá quy mô như của HĐND, nhưng cũng huy động được thành viên của Thường trực và lãnh đạo các Ban, đồng thời mang lại tính hiệu lực, hiệu quả nhất định so với giám sát chuyên đề của Ban khi Thường trực HĐND ban hành kết luận giám sát gửi đến các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát; trong trường hợp cần thiết Thường trực có thể đề nghị HĐND xem xét tại kỳ họp. 

Đối với Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, giúp HĐND thực hiện nhiệm vụ mang tính chuyên sâu theo lĩnh vực, cần tập trung vào 3 nội dung giám sát là thẩm tra báo cáo, giám sát chuyên đề và xem xét văn bản quy phạm pháp luật. Thẩm tra báo cáo là nhiệm vụ của Ban theo quy định; còn việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật là hình thức giám sát mà pháp luật quy định cho cả HĐND, Thường trực và Ban đều phải thực hiện. Tuy nhiên, Ban của HĐND tỉnh với vai trò là cơ quan chuyên môn của HĐND cần tập trung giám sát thường xuyên đối với quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện, giúp Thường trực HĐND và HĐND có cơ sở xem xét văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

Đối với Tổ đại biểu HĐND thì tập trung vào việc giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri trên địa bàn ứng cử, phục vụ cho báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND trình tại kỳ họp theo quy định và tổ chức giám sát, khảo sát theo sự phân công của Thường trực HĐND. 

Tóm lại, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của HĐND, cần thiết phải có sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, lãnh đạo Văn phòng nhằm định hướng, tạo sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận tham mưu, giúp việc hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát nói riêng, hoạt động HĐND nói chung, bộ phận tham mưu, giúp việc cần phải tập trung nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật ban hành văn bản QPPL…; đồng thời không ngừng tự nâng cao năng lực, nỗ lực sáng tạo, đổi mới hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động giám sát nói riêng, hoạt động HĐND tỉnh nói chung./.

TH - NM

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập94
  • Hôm nay11,502
  • Tháng hiện tại170,355
  • Tổng lượt truy cập2,656,224
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Cổng thông tin điện tử tỉnh Tây Ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây