Nỗi truân chuyên
Trước năm 2001, Văn phòng HĐND chưa được xác định rõ ràng, có địa phương thành lập Văn phòng HĐND độc lập, có địa phương đặt trong Văn phòng UBND.
Ngày 27.3.2001, Chính phủ có Nghị định số 12/2001/NĐ-CP về tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, quy định: Đổi tên Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được thành lập theo Nghị định số 156/HĐBT ngày 17.12.1981 thành Văn phòng HĐND và UBND. Ở những tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đã tách Văn phòng UBND thành 2 Văn phòng (Văn phòng UBND và Văn phòng HĐND) thì hợp nhất thành một Văn phòng với tên gọi là Văn phòng HĐND và UBND. Như vậy, bộ phận tham mưu, phục vụ HĐND nằm trong cơ quan chuyên môn của UBND.
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thay thế cho Luật năm 1994 đã xác định vị trí, vai trò của HĐND và Thường trực, các ban của HĐND với việc tăng cường đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, yêu cầu về chuyên nghiệp hóa cơ quan tham mưu, giúp việc HĐND cấp tỉnh được đặt ra. Ngày 9.6.2004, Chính phủ có Nghị định số 133/2004/NĐ-CP về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có thể nói, đây là văn bản có tính pháp lý đầu tiên xác định vị trí, vai trò của Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Văn phòng HĐND cấp tỉnh có Chánh Văn phòng, 1 - 2 Phó Chánh Văn phòng; cơ cấu tổ chức gồm Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Quản trị; biên chế từ 10 - 14 người.
![]() | |
ĐPhải xây dựng Văn phòng HĐND cấp tỉnh đủ mạnh để đảm đương được nhiệm vụ tham mưu, giúp việc HĐND | |
Ảnh: Phạm Long |
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa X ngày 9.2.2007, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 545/2007/NQ-UBTVQH12. Theo đó, thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Về tổ chức gồm 2 Phòng cơ bản là: Phòng Công tác QH và Phòng Công tác HĐND, ngoài ra, tùy tình hình thực tiễn, các địa phương thành lập thêm phòng. Thực tế, đã có nhiều địa phương thành lập thêm các phòng như: Phòng Dân nguyện, Phòng Thông tin… có địa phương thành lập các phòng tham mưu, phục vụ từng ban của HĐND.
Ngày 27.5.2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2016/NĐ-CP thành lập lại Văn phòng HĐND cấp tỉnh, về tổ chức có 2 phòng là: Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, mỗi Phòng có 1 Trưởng phòng và 1 Phó Trưởng phòng.
Như vậy, nhìn về tổ chức Văn phòng HĐND 15 năm (từ năm 2001 đến nay) đã 4 lần tách nhập, số lượng các Phòng quay lại như năm 2004 dù vị trí, vai trò của HĐND ngày càng được coi trọng, đặt ra yêu cầu đổi mới cơ quan tham mưu, giúp việc.
Phải đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015) đã có quy định mới so với Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003). Theo đó, đặt ra yêu cầu các ban của HĐND phải hoạt động thường xuyên, thực chất và hiệu quả hơn, lần đầu tiên có Ban Đô thị của HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số lượng lãnh đạo ban hoạt động chuyên trách tăng từ 1 người lên 2 người. Thường trực HĐND trước đây gồm 3 người: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực nay cũng tăng, gồm: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều đặt ra vấn đề tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Do vậy, nhiệm vụ của HĐND cấp tỉnh được tăng cường hơn.
So với HĐND nhiệm kỳ 2004 - 2011, rõ ràng nhiệm kỳ 2016 - 2021 đòi hỏi phải xây dựng Văn phòng HĐND cấp tỉnh đủ mạnh để đảm đương được nhiệm vụ tham mưu, giúp việc HĐND, Thường trực, ban của HĐND, đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ của mình. Vậy nhưng tổ chức của Văn phòng HĐND vẫn không thay đổi, thậm chí còn có bước thụt lùi.
Cần sửa đổi Nghị định 48
Văn phòng HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND và 3 ban (hơn 20 địa phương có 4 ban: Ban Dân tộc hoặc Ban Đô thị). Nhiệm vụ của Thường trực HĐND về giám sát, tổ chức điều hòa, phối hợp hoạt động…; nhiệm vụ của các ban về thẩm tra, giám sát, khảo sát…; chưa kể tiếp công dân, cung cấp thông tin cho đại biểu là những việc mang tính chuyên môn. Vì vậy, giao 1 phòng phục vụ tất cả các cơ quan này là khiên cưỡng, khó bảo đảm về chuyên môn sâu. Nhiều địa phương trước đây thành lập thêm các phòng chuyên môn ngoài Phòng Công tác HĐND (tương tự như Phòng Tổng hợp hiện nay) cho thấy việc tham mưu, giúp HĐND hoạt động có hiệu quả.
Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17.4.2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức xác định xây dựng bộ máy “bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ”. Đây là yêu cầu đầu tiên để xây dựng tổ chức Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Vì vậy, trước mắt, để Văn phòng HĐND cấp tỉnh thực sự là cơ quan tham mưu về chuyên môn cho HĐND, cần sửa đổi Nghị định 48/2016/NĐ-CP theo 1 trong 2 phương án sau:
Phương án 1: Có thể cho thành lập thêm 1 phòng để phục vụ chung hoạt động của các ban HĐND, như vậy, Văn phòng HĐND có 3 phòng. Khi xem xét về tổ chức Văn phòng UBND cấp tỉnh cũng thấy sự tương thích. Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-VPCP-BNV ngày 23.10.2015 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định Văn phòng UBND cấp tỉnh tuy có giảm số đơn vị cấp Phòng so với Thông tư liên tịch 02/2011/TTLT-VPCP-BNV. Tuy nhiên, Văn phòng UBND cấp tỉnh vẫn có 7 phòng cơ bản gồm: Phòng Tổng hợp; Phòng Kinh tế; Phòng Khoa giáo - Văn xã; Phòng Nội chính; Phòng Hành chính - Tổ chức; Phòng Quản trị - Tài vụ; Ban Tiếp công dân tỉnh và có thêm không quá 3 Phòng đặc thù.Phương án 2: Trường hợp giữ nguyên tổ chức 2 phòng như hiện nay, cần tổ chức 2 phòng chuyên môn. Công tác tổ chức, hành chính, quản trị không thành lập phòng mà giao cho 1 lãnh đạo Văn phòng phụ trách trực tiếp. Thành lập 1 phòng tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND và 1 phòng tham mưu, phục vụ các ban. Đồng thời, tăng số lượng Phó trưởng phòng lên không quá 2 người. Việc không tổ chức Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị sẽ gặp khó khăn nhất định trong điều hành thực tiễn, nhưng thành lập 2 phòng chuyên môn sẽ giúp nâng cao chất lượng tham mưu của Văn phòng trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc