Từ tháng 7.2013, nhiều chính sách mới liên quan tới người dân sẽ có hiệu lực như tăng lương cơ sở lên 1.150.000 đồng/tháng; nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng; trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động;...
Từ 1.7.2013, tăng lương cơ sở lên 1.150.000 đồng/tháng
Theo Nghị định 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1.7.2013, mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng.
Ảnh minh hoạ |
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định.
Đồng thời, mức lương cơ sở cũng được dùng làm căn cứ tính mức hoạt động phí theo quy định, tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1.7.2013, cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế là 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (108 triệu đồng/năm).
Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Thành lập Công ty Quản lý tài sản
Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (gọi là Công ty Quản lý tài sản) có hiệu lực từ ngày 9.7.2013.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Công ty Quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Công ty quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng.
Công ty được thực hiện các hoạt động như: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay;...
5 trường hợp được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Theo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” có hiệu lực từ ngày 15.7.2013, có 5 trường hợp được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng:
1- Có 2 con trở lên là liệt sĩ.
2- Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
3- Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ.
4- Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.
5- Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Người con liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.
Người chồng liệt sĩ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.
Thương binh quy định tại trường hợp 2, 5 nêu trên là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.
Năng suất lao động tăng 1%, tiền lương tăng thêm không quá 0,8%
Theo Nghị định quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (công ty), quỹ tiền lương thực hiện của người lao động được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương bình quân thực hiện.
Mức tiền lương bình quân thực hiện để tính quỹ tiền lương được xác định trên cơ sở mức tiền lương bình quân thực hiện của năm trước liền kề, năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm so với năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề theo nguyên tắc: Năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm tăng thì mức tiền lương thực hiện tăng so với thực hiện của năm trước liền kề, trong đó năng suất lao động tăng 1% thì tiền lương được tăng thêm không quá 0,8% và bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân (theo năng suất lao động và theo lợi nhuận) phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động.
Trường hợp năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện trong năm giảm thì mức tiền lương thực hiện giảm so với thực hiện của năm trước liền kề.
Trường hợp không có lợi nhuận hoặc lỗ thì mức tiền lương thực hiện được tính bằng mức tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động (mức lương chế độ).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013.
Trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1.7.2013, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh hoạ |
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quy định làm thêm giờ đối với người lao động
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1.7.2013, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động.
Theo đó, số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Nghị định cũng quy định 3 trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ trong một năm gồm: 1- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; 2- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 3- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.
Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật lao động.
Cung cấp thông tin trong 3 trường hợp đột xuất, bất thường
Theo Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong 3 trường hợp đột xuất bất thường:
1- Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng có tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước nhằm cảnh báo kịp thời và định hướng dư luận.
Trường hợp xảy ra vụ việc cần ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính Nhà nước thì Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời hạn chậm nhất là 1 ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra.
2- Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đã được nêu trên báo chí hoặc về các sự kiện, vấn đề nêu trên.
3- Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin sai sự thật về lĩnh vực, địa bàn do cơ quan mình quản lý, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực nội dung phát ngôn và thông tin do Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp, đồng thời phải ghi rõ họ tên Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn.
Trường hợp cơ quan báo chí đăng, phát đúng nội dung thông tin mà Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn cung cấp thì không phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin đó.
17 công việc được cho thuê lại lao động
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 3 Điều 54 của Bộ luật lao động về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và Danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, 17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động gồm: 1- Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.
Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.2013.
5 trường hợp hoãn, ngừng đình công
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động vừa được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1.7.2013, có 5 trường hợp hoãn, ngừng đình công gồm:
1- Đình công dự kiến tổ chức tại các đơn vị cung cấp dịch vụ về điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Chiến thắng, ngày Quốc tế lao động và ngày Quốc khánh.
2- Đình công dự kiến tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
3- Đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
4- Đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, vệ sinh công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại thành phố thuộc tỉnh.
5- Đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của nhà đầu tư, làm mất an ninh, trật tự công cộng, ảnh hưởng đến các hoạt động của cộng đồng dân cư tại nơi xảy ra đình công.
Kéo dài thời gian hỗ trợ định canh, định cư đến năm 2015
Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 33/2007/QĐ-TTg hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010 và Quyết định 1342/QĐ-TTg ngày 25.8.2009 phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012 đến năm 2015.
Quyết định có hiệu lực từ 25.7.2013.
Theo Hoàng Diên (Chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc