Khẩn cấp phòng, trừ rệp sáp bột hồng

Thứ hai - 06/08/2012 14:55 45 0

Khẩn cấp phòng, trừ rệp sáp bột hồng

(BTN)- Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Tây Ninh cho biết, hiện toàn tỉnh đã có khoảng 104 ha mì tại 11 xã thuộc 2 huyện và Thị xã bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Huyện Dương Minh Châu là địa phương bị nhiễm nhiều nhất với diện tích 45 ha, tập trung ở xã Suối Đá. Thị xã có 36 ha mì nhiễm bệnh này ở các xã Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Thạnh Tân và Tân Bình. Huyện Tân Châu có khoảng 23 ha mì nhiễm ở các xã Tân Hà, Tân Hiệp, Suối Dây, Tân Hưng, Thạnh Đông và Tân Phú. Ở các huyện còn lại, Chi cục chưa nhận thông tin về việc phát hiện rệp sáp bột hồng trên cây mì. Gần đây, việc phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây mì ở một số nơi đã khiến nhiều nông dân lo lắng.
Rệp sáp bột hồng làm cây mì rụng lá, giảm năng suất củ
Theo lãnh đạo Chi cục BVTV, khi bị rệp sáp bột hồng bám vào, cây mì sẽ ngưng phát triển, bị “lùn xoắn lá”, thân còi cọc, lá hư. Đối với cây mì trong giai đoạn trưởng thành nếu bị nhiễm nặng thì phải thu hoạch. Còn đối với cây mì non, nếu bị nhiễm nặng, gây hại phần lớn cho diện tích mì thì phải tiêu huỷ ngay bởi có tiếp tục chăm sóc thì chất lượng và năng suất củ cũng rất kém. Khi bị nhiễm với mật độ cao, cây mì sẽ bị rụng lá toàn bộ, giảm năng suất đến 85%.
Đáng lưu ý là rệp sáp bột hồng “ký sinh” trên tất cả các bộ phận của cây mì và rất dễ phát tán đi khắp nơi theo gió. Rệp này còn lây lan qua hom giống, lây qua dòng nước, lây lan từ việc bám trên cơ thể người, động vật, phương tiện vận chuyển. Ngoài cây mì, rệp còn có thể sống ký sinh gây hại trên cây mãng cầu và cao su. “Hiện ngành nông nghiệp nói chung và Chi cục bảo vệ thực vật nói riêng đang khẩn trương tuyên truyền, kiểm tra thực trạng nhiễm rệp sáp bột hồng trên toàn tỉnh. Nếu để rệp lây lan trên diện rộng, tàn phá cây mì thì hậu quả về kinh tế là rất lớn”, ông Hồng nói.
Trước nguy cơ lây nhiễm rệp sáp trên diện rộng, mới đây, Cục BVTV (thuộc Bộ NN&PTNT) đã có công văn hướng dẫn Tây Ninh cấp bách tiêu huỷ loài côn trùng gây hại này. Hiện Chi cục BVTV đang tiếp tục thống kê, khoanh vùng những diện tích trồng mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Chi cục cũng đã có kế hoạch tổ chức cho nông dân thu hoạch mì (đối với mì trưởng thành), thu gom toàn bộ cây nhiễm rệp đem đốt, sau đó phun thuốc BVTV lên toàn bộ diện tích trồng mì bị nhiễm rệp gây hại. “Lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương cho xuất ngân sách hỗ trợ nông dân tiêu huỷ cây mì nhiễm rệp, hỗ trợ phun thuốc BVTV. Dự kiến, mức hỗ trợ đối với mì trưởng thành khoảng 2,5 triệu đồng/ha, giúp nông dân mua củi, dầu để đốt cây mì cũng như chi phí thuê nhân công. Đối với mì non thì mức hỗ trợ thấp hơn”, ông Hồng cho biết. Ngành BVTV khuyến cáo, ít nhất 1 tháng sau khi tiêu huỷ cây nhiễm rệp và phun thuốc BVTV, nông dân mới được trồng mì trở lại.
Hiện trên nhiều diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng, nông dân đã phun thuốc BVTV nhưng một phần diện tích này đã bị rệp gây hại nặng.
 

(Theo Tay Ninh online)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay234
  • Tháng hiện tại139,485
  • Tổng lượt truy cập1,090,569
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây