ĐBQH Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh: Cần có sự chăm lo thỏa đáng cho đội ngũ Thẩm phán

Thứ tư - 31/03/2021 00:00 67 0

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh: Cần có sự chăm lo thỏa đáng cho đội ngũ Thẩm phán

Sáng ngày 30/3/2021, tại phiên thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, ngành Kiếm sát và Tòa án đã vượt qua những khó khăn trở ngại để đạt được những thành tích, những con số rất đáng trân trọng, đây là những nội dung Quốc hội và nhân dân cả nước cần chia sẻ và ghi nhận.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phương với góc nhìn ở những khía cạnh, một phạm vi nào đó là chưa ổn, chưa phù hợp cả về pháp luật và thực tiễn. Cụ thể: Đối với lĩnh vực kiểm sát thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, tại trang 9 của Báo cáo số: 208/BC-VKSTC của Viện kiểm sát tối cao có nêu: "Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ căn cứ khi phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn, hạn chế lạm dụng việc bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam". Từ thực tế giám sát, đại biểu thấy rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ, tạm giam được áp dụng không phải là "hạn chế" như báo cáo nêu. Nhiều trường hợp có lai lịch rõ ràng, nhân thân tốt nhưng ở giai đoạn tiền khởi tố người bị buộc tội không nhận tội nên bị tạm giam và tạm giam cho đến ngày xét xử. Tuy nhiên, lại có một nghịch lý là có không ít trường hợp ở giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát phê chuẩn tạm giam nhưng khi chuyển sang giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát lại cho bảo lĩnh tại ngoại. Đại biểu Phương cũng cho rằng một vấn đề đáng quan tâm là so với Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003 thì Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 đã sửa đổi theo hướng tiến bộ, chỉ những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội xâm phạm an ninh quốc gia mới bị gia hạn tạm giam nhiều hơn một lần. Theo phản ánh của cử tri, có những người bị buộc tội không thuộc nhóm tội phạm vừa nêu nhưng Viện kiểm sát vẫn ra nhiều quyết định gia hạn tạm giam để điều tra. Tuy nhiên, thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam là hai loại thời hạn khác nhau. ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu tại phiên thảo luận Đối với công tác của ngành Tòa án trong nhiệm kỳ, đại biểu Phương có một số ý kiến đề nghị ngành cần làm rõ: Thứ nhất: Tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số: 96/2015/QH13 ngày 26/6/2015 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai thể hiện: "Chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quyền tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm các bản án, quyết định hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; kiên quyết tuyên bị cáo vô tội trong trường hợp không có căn cứ kết tội…". Tại trang 6 của Báo cáo số: 47/BC-TA ngày 20/10/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao thể hiện: "Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội". Tại trang 8 của báo cáo này thể hiện: "Trong nhiệm kỳ qua….không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội". Đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm, có phải thực sự là như vậy hay không? không oan sai hay chưa phát hiện oan sai? hay chưa có văn bản của nhà nước để minh chứng oan sai về mặt pháp lý? Đồng thời, ngày 25/3/2021 Chánh án mới đọc bản Báo cáo số 47 với nội dung nêu trên thì ngày 26/3/2021, báo chí đã đưa tin về 01 trường hợp bị Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau kết án oan vào ngày 14/7/2016 (thời gian trong nhiệm kỳ QH khóa 14) về tội "Cố ý gây thương tích". Hiện nay, Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau đang là bị đơn trong vụ án bồi thường thiệt hại về trách nhiệm bồi thường nhà nước. Như vậy, dư luận quan tâm là báo chí thông tin không chính xác hay công tác thống kê về oan sai của chúng ta chưa đầy đủ, kịp thời? Thứ hai:  Tại cuối trang 6, đầu trang 7 của Báo cáo số: 47/BC-TA thể hiện: "Các Tòa án đã chú trọng việc tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác nên hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn quy định của pháp luật..." Việc xét xử kịp thời trong thời hạn quy định của pháp luật thường được thực hiện ở những vụ án nóng, án điểm, án có chỉ đạo như đã thống kê cụ thể tại trang 7 của Báo cáo số 47. Như vậy, những vụ án còn lại thì sao?, có vi phạm thời hạn tố tụng về xét xử hay không?. Theo phản ánh của cử tri địa phương, việc vi phạm thời hạn trong xét xử tốt tụng hình sự không phải là ít. Đơn cử có vụ án khởi tố về tội giết người ở Tây Ninh cách đây hơn 4 năm, xét xử sơ thẩm lần 01 vào ngày 30/11/2017, án bị hủy nên xét xử sơ thẩm lần 02 vào ngày 01/7/2019. Đến nay đã 21 tháng kể từ ngày xét xử sơ thẩm lần 02 nhưng phiên tòa phúc thẩm ở Tòa án nhân dân Cấp cao tại Tp HCM vẫn chưa biết khi nào được mở lại. Cử tri mòn mỏi trông chờ, con em họ kêu oan bị gia hạn tạm giam nhiều lần theo năm, tháng. Thứ ba: Về giải quyết các vụ việc dân sự (bao gồm các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động), cũng tại trang 8 của Báo cáo số 47 thể hiện: "Việc giải quyết các vụ việc dân sự về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự". Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự đã được Tòa án các cấp giải quyết thỏa đáng thì sẽ không có đơn đề nghị khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, tại trang 13 của Báo cáo số 47 lại thể hiện: "Mặc dù trong điều kiện còn hạn hẹp về biên chế, cán bộ và số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải giải quyết là rất lớn nhưng với việc triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, sự nỗ lực của các Tòa án nên tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong những năm gần đây có tiến bộ, tỷ lệ giải quyết năm sau luôn đạt cao hơn năm trước". Theo đại biểu nhận định, so với án dân sự, hành chính thì số lượng án hình sự được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm là rất ít. Như vậy phải chăng có sự mâu thuẫn trong báo cáo khi cho rằng quyền và lợi ích chính đáng của đương sự được bảo đảm nhưng đương sự lại là người không đồng thuận với bản án hoặc quyết định của Tòa án nên mới làm đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm? Thứ tư: Về bài học kinh nghiệm, tại trang 22 của Báo cáo số 47 thể hiện nội dung: "Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh. Làm tốt việc kiện toàn tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân các cấp ….. » Đại biểu Phương băn khoăn việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch vững mạnh cụ thể như thế nào nhất là đối với chức danh Thẩm phán? Để được là Thẩm phán, trước tiên phải có một thời gian dài làm công chức trong ngành Tòa án, phải qua thi tuyển rất khắt khe và cuối cùng đủ tiêu chuẩn thì mới được Chủ tịch nước bổ nhiệm. Mặc dù, trong báo cáo không nêu nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua đã không ít Thẩm phán xin nghỉ việc vì lý do áp lực công việc mà thu nhập thì không tương xứng với những gì họ cống hiến. Đại biểu cũng lo ngại, nếu chỉ nói chăm lo thôi mà không xem xét cụ thể đến mức lương có tương xứng với những gì đội ngũ Thẩm phán đã dành công sức, tâm lực, trí lực của họ dành cho công việc thì quả thực là chưa ổn và thỏa đáng. Khi một bản án được tuyên thì đó là một văn bản áp dụng pháp luật được Thẩm phán nhân dân nhân danh Nhà nước, nhân danh Quốc thể ban hành và có tác động trực tiếp đến các quan hệ xã hội, thậm chí liên quan đến các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, khi tìm hiểu mức lương của Thẩm phán trung cấp ở Tòa án cấp tỉnh công tác gần 20 năm thì thấy rằng mức lương của họ chỉ tương đương với mức lương Thiếu úy của lực lượng vũ trang. Như vậy mức lương của Thẩm phán sơ cấp ở cấp huyện sẽ thấp hơn nhiều và có tương xứng hay không? Thực tế hiện nay có Tòa án cấp huyện chỉ có 03 thẩm phán thì cũng kiêm nhiệm luôn lãnh đạo. Do vậy, nếu tăng lương cho đội ngũ cán bộ này cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước nhưng sẽ đảm bảo được mục tiêu đặt ra. Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều có sự khập khiễng nhưng những người nhân danh Nhà nước, nhân danh Quốc thể để ra phán quyết là rất cao quý nên đại biểu Phương đề nghị cần có sự chăm lo một cách thiết thực cho họ, có như vậy mới hoàn thiện mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp./. Thanh Tâm (lược ghi)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay1,079
  • Tháng hiện tại30,998
  • Tổng lượt truy cập982,082
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây