Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: Khắc phục triệt để tình trạng manh mún, tự phát, sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn không hết, bán không được bao nhiêu”, hoặc không xác định được thị trường tiêu thụ, dẫn đến phải “giải cứu”

Thứ bảy - 30/10/2021 23:00 24 0

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh: Khắc phục triệt để tình trạng manh mún, tự phát, sản xuất kinh doanh theo kiểu “ăn không hết, bán không được bao nhiêu”, hoặc không xác định được thị trường tiêu thụ, dẫn đến phải  “giải cứu”

Góp ý về Dự án cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Tây Ninh đồng tình cao với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Đại biểu Phương đề nghị trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế cần đặc biệt chú ý các vấn đề sau: Trong lĩnh vực công nghiệp, đại biểu đề nghị lựa chọn, tập trung nguồn lực tạo sự phát triển nhanh, có chiều sâu ở một số ngành và lĩnh vực công nghiệp nền tảng, có sự lan tỏa mạnh trong nền kinh tế, từng bước làm tăng tính tự chủ của nền kinh tế và nâng cao giá trị mới tạo ra trong sản xuất xã hội. Trong các ngành, lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên, cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là Doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô sản xuất và tài chính đủ lớn, với trình độ công nghệ cao, có sự liên kết, hợp tác rộng rãi, lan tỏa mạnh mẽ cả trong nước và ngoài nước, đủ sức làm nòng cốt trong phát triển của ngành, lĩnh vực và từng bước tạo thương hiệu Quốc gia vươn ra đầu tư ở nước ngoài. Trong lĩnh vực xây dựng, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản lý xây dựng, đại biểu đề nghị cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lớn, có thiết bị công nghệ hiện đại, có năng lực thiết kế, thi công xây lắp đủ sức đáp ứng yêu cầu xây dựng các dự án trọng điểm của quốc gia; đáp ứng yêu cầu cao của đất nước đang trên đà tiến sâu vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giảm thiểu sự lệ thuộc vào các công ty và chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh đó, phát triển nhanh trong nghiên cứu, sử dụng các loại chất thải để sản xuất vật liệu xây dựng, tạo ra ngày càng nhiều vật liệu mới thay thế vật liệu truyền thống, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang lại lợi ích môi trường. Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Phương đề nghị khắc phục triệt để tình trạng manh mún, tự phát, sản xuất kinh doanh theo kiểu "ăn không hết, bán không được bao nhiêu", hoặc không xác định được thị trường tiêu thụ, dẫn đến phải "giải cứu"; bảo đảm cho nông nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hoá, tập trung, quy mô, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cao, thật sự là bệ đỡ của nền kinh tế. Chú ý xây dựng thương hiệu hàng hoá nông sản chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến nông sản, giảm dần áp lực tiêu thụ sản phẩm thô, tươi theo mùa vụ, nâng cao tính chủ động và giá trị trong tiêu thụ hàng nông sản cả ở trong nước cũng như trên thị trường thế giới. Trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cần phải bảo đảm từng bước tự chủ trong cung cấp vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc, gia cầm và thủy hải sản; đẩy mạnh phát triển công nghệ sinh học, cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp; Đồng thời, phải gắn chặt với quá trình xây dựng nông thôn mới làm thay đổi mạnh mẽ, thực chất, bền vững hơn nữa bộ mặt nông thôn, nông nghiệp, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn. Trong lĩnh vực dịch vụ, đại biểu Phương cho rằng các ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao cần phải được phát huy mạnh mẽ. Chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải được nâng cao hơn nữa cùng với quá trình cơ cấu lại. Đặc biệt, cần đặt ra mục tiêu với yêu cầu cao hơn trong phát triển dịch vụ số, thanh toán số, đẩy nhanh tiến độ giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Đồng thời phải bảo đảm thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao, làm cho du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế. Quá trình này đồng thời cũng là quá trình tập trung giải quyết các vấn đề gây ảnh hưởng đến du lịch như quá tải ở các cảng hàng không, sự xuống cấp ở một số cảng biển và cảng thủy nội địa, chất lượng phục vụ du lịch của đường sắt chưa ngang tầm... Trong lĩnh vực đầu tư công, cần bám sát phương châm giảm đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội. Tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa mạnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn vay để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; rà soát, tính toán các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình một cách chặt chẽ, khoa học; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu; giám sát, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, hậu kiểm và công khai minh bạch trong công tác kiểm tra, giám sát, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công.  Đối với các tổ chức tín dụng, hoàn thiện vững chắc hơn khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, hỗ trợ xử lý nợ xấu. Bảo đảm cho các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đạt tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8% vào cuối năm 2025 (như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra). Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.  Đối với doanh nghiệp nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực quan trọng mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư; bảo đảm cho DNNN đủ sức giữ vững, chi phối những khu vực trọng yếu của nền kinh tế và bảo đảm kinh tế cho QP - AN. Củng cố, phát triển một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hoạt động hiệu quả có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Thúc đẩy, bảo đảm công khai minh bạch trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn tất vệc sắp xếp lại khối DNNN và xử lý những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.  Đối với các đơn vị sự nghiệp công, đại biểu đề nghị không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công. Hoàn thành lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào dịch vụ công và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị dịch vụ công. Chuyển mạnh cơ chế cấp phát theo dự toán sang cơ chế đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công khách quan, minh bạch, đúng với chất lượng và định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ công. Phấn đấu giảm số đơn vị sự nghiệp công, chuyển đổi các đơn vị theo cơ chế tự chủ tài chính, và sang công ty cổ phần đạt mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Thanh Tâm (lược ghi)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Hôm nay6,741
  • Tháng hiện tại96,440
  • Tổng lượt truy cập1,384,424
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây