Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ bảy - 30/10/2021 18:00400
Trong phiên thảo luận trực tuyến buổi sáng ngày 30 tháng 10 năm 2021 về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu – Tây Ninh đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ nêu khá rõ ràng, chi tiết, rộng và sâu, phần tổ chức thực hiện ghi rõ “Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trước tháng 12/2021” Như vậy, đại biểu nhấn mạnh Chính phủ nhận nợ Quốc hội, nợ Nhân dân một Chương trình hành động (CTHĐ) và CTHĐ ấy sẽ có trong một tháng nữa.
Đại biểu Trẩn Hữu Hậu cho rằng sau khi Chính phủ có CTHĐ, chắc chắn các Bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng các CTHĐ của mình, tuy nhiên chưa biết Chính phủ và các bộ ngành, địa phương sẽ xây dựng CTHĐ theo cách tiếp cận nào? Chính phủ sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng Chương trình hành động thế nào.... theo đại biểu, kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò nhạc trưởng của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cũng tha thiết mong rằng, các địa phương không sao chép văn bản, rập khuôn máy móc như trước đây; đưa vào Kế hoạch và Chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.
Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến
Đại biểu Hậu đề nghị quan tâm thực hiện nội dung "Tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, của ngành mình, địa phương mình; từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững". Bởi vì theo đại biểu, nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những "NÚT THẮT" thì cũng như xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được một số điểm nghẽn. "Cơ cấu lại nền kinh tế" bắt đầu từ "Xác định NÚT THẮT" của mỗi ngành, mỗi địa phương và của nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn; Những "nút thắt" này được khái quát lên từ những MÂU THUẪN đang hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân. Cơ cấu lại nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó phải giải quyết được những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.
Đại biểu cụ thể ví dụ: Điện là máu của nền kinh tế, của sinh hoạt và đời sống của người dân; nhưng chúng ta đã và đang chứng kiến những mâu thuẫn lớn của ngành này. Chỉ một thay đổi về chính sách, đất nước từ nơm nớp lo vì thiếu điện bỗng dư điện. Mà điện ấy là điện sạch từ gió, từ mặt trời, đúng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới lại phần lớn đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước. Nhưng rồi phải tạm ngừng phát triển; những nơi đã phát điện thì cắt giảm công suất. Lãng phí biết bao nhiêu nguồn lực xã hội. Điện thì dư nhưng việc giảm giá hết sức khó khăn và.... chỉ quá khó khăn mới được giảm giá; Điện thì dư mà càng dùng nhiều thì giá lại càng tăng rất phi thị trường; Khung giờ 9 đến 11 giờ sáng là khung giờ vàng cho sản xuất; cũng là khung giờ vàng cho phát điện mặt trời nhưng cũng là khung giờ cao điểm, doanh nghiệp phải trả với mức giá cao. Đại biểu đặt câu hỏi những mâu thuẫn ấy là do đâu? Và, nút thắt nào khiến cho những mâu thuẫn ấy bao nhiêu năm nay nói mãi mà không sửa được?
Đại biểu cũng nhắc lại năm 2004, đại biểu cùng anh em Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XI tham gia thẩm tra Luật Điện lực. Khi ấy, mọi người đã rất hào hứng, bàn luận và kỳ vọng vào Điều 18 và 19 về "Hình thành và phát triển thị trường điện lực". Lúc ấy mọi người đều cho rằng: Việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là tách bạch rõ ràng các khâu: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia. Trong đó, Nhà nước chỉ nắm chặt khâu then chốt, huyết mạch là Truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia...còn lại, để cho doanh nghiệp cạnh tranh thực thụ... sẽ tạo sức bật cho ngành điện phát triển; giải quyết được những bài toán về điện đặt ra khi ấy. Các đại biểu lúc ấy cũng cho rằng: Đây là việc khó, cái khó nhất, cái nút thắt khó gỡ nhất nằm trong tư duy và quyết tâm, chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành Điện và ngành Chủ quản; cho nên, chắc phải 10 năm mới xong, đặt mốc 2020 cho... chắc ăn. Tiếc rằng, bây giờ đã cuối năm 2021, chuyện có một thị trường điện thực sự có vẻ còn vẫn xa vời.
Đại biểu tin tưởng rằng nếu trong 5 năm tới, ngành điện xác định được những nút thắt của mình, cơ cấu lại theo hướng tách bạch rõ ràng các chủ thể của các khâu, ngành điện sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn; người dân và doanh nghiệp sẽ được sử dụng điện với giá rẻ hơn, hợp quy luật hơn; ngành điện sẽ góp phần xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.
Nói về ngành điện, đại biểu Hậu kết luận rằng: Trong Cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước; từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ những nút thắt, tạo ra những thay đổi đột phá. Đó là một trong những phương thức để có thể cơ cấu lại thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất.
Thanh Tâm (lược ghi)