Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 26/10/2020 17:00390
Sáng ngày 24/10, tại phiên họp trực tuyến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, tham gia góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Ngọc Phương - Đoàn Tây Ninh cơ bản thống nhất với dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quan tâm một số vấn đề như sau:
Theo phương án 1 tại Mục 4a (từ Điều 40a1 đến Điều 48a1) và Mục 4b (từ Điều 40b1 đến Điều 50b1) Chương IV của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định về "Giấy phép môi trường" chỉ sử dụng một loại Giấy phép môi trường được tích hợp 06 loại giấy phép khác nhau theo quy định tại các Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi, bao gồm:Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT;Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Giấy phép xử lý chất thải nguy hại;Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; Giấy phép xả khí thải công nghiệp; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo Luật Tài nguyên nước) hoặc Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo Luật Thủy lợi).Theo đó Khoản 2 Phương án 1 tại Điều 173 của dự thảo đã bãi bỏ Điều 58. Như vậy, với Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường này thì Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi sẽ do Ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện, Ngành NN&PTNT không còn thẩm quyền này. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là không phù hợp, bởi vì:
Thứ nhất: Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực quản lý liên quan đến các chủ thể quản lý tương ứng khác nhau.
Tại Khoản 3, Khoản 11 Điều 2 của Luật Thủy lợi quy định một số nội dung sau:
Khoản 3. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi
Khoản 11. Chủ quản lý công trình thủy lợi là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các cấp hoặc tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu; tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.
Như vậy, công trình thủy lợi thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng khi một chủ thể khác xả thải vào công trình thủy lợi lại do ngành Tài nguyên và Môi trường cấp phép là không phù hợp. Điều này chẳng khác nào anh xả thải vào nhà tôi mà tôi không có quyền gì cả.
Thứ hai: Nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Tại khoản 1 Điều 19 Luật Thủy lợi quy định: "Quản lý thống nhất theo hệ thống công trình thủy lợi, từ công trình đầu mối đến công trình thủy lợi nội đồng; phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của hệ thống, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế".
Như vậy, với quy định tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thì thẩm quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi do ngành Tài nguyên và Môi trường quyết định thì nguyên tắc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nêu trên sẽ bị phá vỡ những vấn đề có tính cơ bản, có tính căn cơ làm ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ có tính hệ thống và khó đảm bảo về yêu cầu về số lượng, chất lượng nước phục vụ sản xuất, dân sinh và các ngành kinh tế.
ĐBQH Trịnh Ngọc Phương phát biểu góp ý Luật Bảo vệ môi trường (SĐ)
Thứ ba: Khoản 14, Điều 2 Luật Thủy lợi quy định: "Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra do khai thác công trình thủy lợi" .
Tại khoản 1 Điều 32 quy định: "Hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là hợp đồng dân sự…" và phải có Tiêu chuẩn, số lượng và chất lượng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;".
Như vậy, sản phẩm dịch vụ thủy lợi được coi là một loại hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ khai thác công trình thủy lợi, được chủ thể có quyền cung cấp cho chủ thể khác có nhu cầu sử dụng nhưng khi sản phẩm, dịch vụ ấy có đảm bảo chất lượng hay không thì chính chủ thể cung cấp lại không có quyền quyết định. Do vậy, ngành Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là không phù hợp.
Thứ tư: Tại khoản 2, Điều 46 Luật Thủy lợi quy định: "Tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trực tiếp bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi, kiểm soát việc xả nước thải vào công trình thủy lợi."
Như vậy, với quy định này thì tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi có quyền bảo vệ sản phẩm dịch vụ nhưng tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường này thì việc làm cho sản phẩm dịch vụ thủy lợi có chất lượng hay không lại lệ thuộc và do chủ thể khác quyết định. Đây là quy định không logic, không khả thi là mất đi vai trò chủ động quản lý chất lượng dịch vụ mà mỗi chủ thể phải có trách nhiệm quản lý khi mình cung cấp.
Thứ năm: Tại điểm p khoản 2 Điều 56 Luật Thủy lợi quy định:
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi, có trách nhiệm sau đây:
…………………
p) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thủy lợi"
Theo quy định này thì, khi có khiếu nại, hoặc tố cáo liên quan đến việc xả thải vào công trình thủy lợi hoặc sản phẩm dịch vụ thủy lợi không đạt chất lượng thì thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, khi giao thẩm quền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi cho ngành Tài nguyên và Môi trường mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại thực hiện các công việc nêu trên có phù hợp hay không. Đại biểu cho rằng không, vì vậy một lần nữa có thể khẳng định việc giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi là không phù hợp.
Từ những lý do trên, Đại biểu đề nghị là giao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng nước trong công trình thủy lợi, thực hiện cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Ngành Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm môi trường nói chung, trước mắt tập trung vào bảo vệ chất lượng nước của nguồn nước tự nhiên là khoa học và phù hợp với thực tiễn.
Tại Chương IV của Dự thảo, có 04 mục thì từ Mục 2 đến Mục 4 trong Dự thảo đã chia ra 02 phương án:
Phương án 1: Phương án Chính phủ trình là phân loại dự án theo thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường từ Điều 29a đến 48a2.
Phương án 2: Phương án phân loại dự án theo tiêu chí tác động đến môi trường từ Điều 29b đến 49b2.
Đại biểu đề nghị Quốc hội chọn phương án 2 vì tiêu chí tác động môi trường là mục đích chúng ta hướng tới để thuận tiện trong thực tiễn áp dụng và quản lý.
Về Điều khoản thi hành tại Điều 173, từ phân tích nêu trên, Đại biểu kiến nghị áp dụng phương án 2 của Dự thảo.
Về Điều khoản chuyển tiếp tại Điều 154, Đại biểu kiến nghị áp dụng phương án 2 của Dự thảo.
Phạm Tâm