Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh: Lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động
admin
2022-04-21T16:00:00+07:002022-04-21T16:00:00+07:00https://hdnd.tayninh.gov.vn/vi/news/kinh-nghiem-hoat-dong/-o-n--i-bi-u-qu-c-h-i-t-nh-l-y--ki-n-g-p---i-v-i-d--n-lu-t-c-nh-s-t-c--ng-7563.htmlhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/PublishingImages/2022-04/Kim Chi 214_Key_21042022081544.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 21/04/2022 16:00560
Chuẩn bị cho các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 20 tháng 4 năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Chủ trì Hội nghị bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, tham dự Hội nghị có ông Huỳnh Thanh Phương – Bí thư Huyện ủy Gò Dầu, đại biểu Quốc hội khóa XV cùng đại diện các Ban HĐND tỉnh, Công an tỉnh, Công an một số huyện, thị xã thành phố và một số sở, ngành có liên quan.
Các đại biểu tham dự góp ý Luật Cảnh sát cơ động
Tại buổi góp ý, các đại biểu tham dự cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, tập trung vào một số nội dung:
- Về giải thích từ ngữ (Điều 2 dự thảo Luật), thống nhất chọn Phương án 1 là giữ lại Điều 2 về giải thích từ ngữ "Biện pháp vũ trang", bởi Cảnh sát cơ động là sử dụng "Biện pháp vũ trang" để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là để chống bạo loạn, khủng bố như quy định tại khoản 2 Điều 9 của Dự thảo và vì sử dụng "Biện pháp vũ trang" nên cần khái niệm "Biện pháp vũ trang" là gì?
Bên cạnh đó, về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động, tại Điều 3 của Dự thảo quy định có thuật ngữ về "biện pháp vũ trang", cụ thể: "Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội" nên việc giải thích thuật ngữ này là cần thiết.
Có ý kiến đề nghị giải thích cụm từ "Biện pháp công tác khác" là gì? Bởi tại Khoản 3 Điều 9 của Dự thảo quy định về Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động lại quy định "Sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện các nhiệm vụ sau:…". Đồng thời, ngoài biện pháp vũ trang thì các biện pháp khác mà Cảnh sát cơ động có thể sử dụng để thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Dự thảo và các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, để đầy đủ và thống nhất ngữ nghĩa và thuận lợi trong việc thực thi pháp luật, đề nghị bổ sung cụ thể vào Điều 2
- Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3 dự thảo Luật): thống nhất quy định Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10 dự thảo Luật): Khoản 2 Điều 10: đề nghị thay từ "tàu bay" thành "phương tiện bay" cho phù hợp hơn trong việc nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động, bởi việc vô hiệu hóa tàu bay đòi hỏi cần có sự phối hợp với lực lượng không quân của Quân đội.
- Về bố cục các Chương điều của Dự thảo Luật: Điều 18 thuộc Chương II của Dự thảo với tiêu đề là: "Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động". Tiêu đề này không có nội dung "Nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động". Đây là chế định mang tính quy định chung, do vậy đề nghị chuyển quy định này về Chương I "Những quy định chung" trong dự thảo.
- Điều 22, Điều 23 dự thảo Luật: đề nghị gom thành 01 Điều quy định về đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất và đảm bảo trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất cho Cảnh sát cơ động.
Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia góp ý đối với một số điều khoản cụ thể khác.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cám ơn các ý kiến góp ý thiết thực của các đại biểu tham dự, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ chọn lọc, tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thanh Tâm