Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ năm - 12/05/2022 00:00810
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021, đánh dấu chặng đường 13 năm hình thành và phát triển.
Chỉ số PAPI là tập hợp của rất nhiều dữ liệu, những con số 'biết nói', chuyển tải ý kiến đánh giá của người dân về rất nhiều nội dung chính sách đang được đưa vào thực tiễn, vì vậy, chỉ số PAPI là cơ sở để các cấp chính quyền xem xét, đánh giá từng chỉ tiêu cụ thể để cải thiện hiệu quả thực thi từng vấn đề chính sách cụ thể, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân. Ngoài ra, năm 2021 là năm bản lề của nhiệm kỳ chính quyền các cấp giai đoạn 2021-2026, Chỉ số PAPI 2021 cung cấp dữ liệu cơ sở để các tỉnh, thành phố theo dõi tiến trình thực hiện nhiệm vụ trong quản lý, điều hành, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công, phục vụ nhân dân.
PAPI bao gồm 8 tiêu chí, 28 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, hơn 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam. Các tiêu chí của PAPI gồm: (1) Tham gia của người dân tại cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; (6) Cung ứng dịch vụ công; (7) Quản trị môi trường; và (8) Quản trị điện tử. Được thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, sau đó tính điểm cụ thể và xếp hạng theo 04 nhóm là cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất.
Kết quả khảo sát PAPI cho thấy, năm 2021 là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, vì vậy Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong 2 năm. Đặc biệt, ở lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỷ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải "chung chi" để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.
Địa phương dẫn đầu về chỉ số PAPI năm nay là Thừa Thiên - Huế với 48,059 điểm. Bình Dương đứng thứ hai với 47,178 điểm và Thanh Hóa đứng thứ ba, đạt 47,102 điểm.
Kết quả năm 2021, Tây Ninh thuộc nhóm trung bình thấp với tổng số điểm là 42,2 đứng vị trí 31/60 tỉnh, thành phố (theo kết quả công bố có 03 tỉnh không có dữ liệu bao gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh và Bắc Giang), tăng hạng 20 bậc và 0,86 điểm so với năm 2020. Có 05 chỉ số tăng điểm so với năm 2020 là chỉ số công khai, minh bạch;kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công;quản trị môi trường;quản trị điện tử. Có 03 tiêu chí còn lại của PAPI 2021 bị giảm điểm so với năm 2020 bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; và thủ tục hành chính công. Trong tổng số 08 tiêu chí của PAPI 2021 đã công bố, Tây Ninh có 02 tiêu chí được xếp hạng ở nhóm "Cao nhất" gồm: công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Có 01 tiêu chí được xếp hạng ở nhóm "Trung bình cao" là "Cung ứng dịch vụ công". Có 04 tiêu chí bị xếp hạng ở nhóm "Trung bình thấp" gồm:trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Có 01 tiêu chí bị xếp hạng ở nhóm "Thấp nhất" là " Tham gia của người dân ở cấp cơ sở".
KD