Sáng ngày 04/5/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bà Hoàng Thị Thanh Thuý, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Chủ trì Hội nghị, tham dự có ông Trần Hữu Hậu – Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và đại diện một số Ngân hàng TMCP- Chi nhánh Tây Ninh…
Bà Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp 5 có bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều những nội dung cơ bản tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại Hội nghị, các ý kiến của đại biểu tập trung đối với các vấn đề như: Bổ sung các quy định liên quan hoạt động ngân hàng bằng phương tiện điện tử và công nghệ viễn thông theo hướng chính xác, thuận tiện và nhanh chóng, đồng thời có kiểm soát một cách hiệu quả; các quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, cấp hạn mức qua thẻ tín dụng; về hoạt động làm đại lý cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng; đặc biệt đưa chức năng “đầu tư” ra khỏi ngân hàng thương mại, cần chấm dứt tình trạng ngân hàng thương mại lấy tiền gửi đi đầu tư rủi ro ở một số lĩnh vực mạo hiểm (như như bất động sản, chứng khoán), do sự lẫn lộn giữa mô hình hoạt động của “ngân hàng thương mại” và “ngân hàng đầu tư”…
Đại biểu Hà Minh Châu phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Đặc biệt, tại Hội nghị các đại biểu phát biểu sôi nổi xung quanh vấn đề về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thông tin khách khàng chưa được đảm bảo cần có quy định cụ thể trong dự thảo Luật hoặc bổ sung các hành vi nghiêm cấm làm lộ, lọt thông tin khách hàng; ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần quy định minh bạch, cụ thể về hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng để giảm bớt gánh nặng cho khách hàng; có hướng tháo gỡ nghịch lý lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn “vượt sóng”.
Ngoài ra, còn có các ý kiến khác đề nghị tăng cường hiệu lực pháp luật về giao dịch điện tử, từ huy động và quản lý tiền mặt; giao dịch kinh doanh thương mại không dùng tiền mặt; bổ sung các quy định áp dụng riêng cho các khoản vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống có mức giá trị nhỏ, hạn chế tín dung “đen”; xử lý các rủi ro,…
Kết luận hội nghị, bà Hoàng Thị Thanh Thúy ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đồng thời tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp sắp tới./.
Ngọc Kim
Ý kiến bạn đọc