Đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai là thủ tục hành chính do cơ quan hành chính thực hiện nhằm cập nhật thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất, đảm bảo cho hệ thống hồ sơ địa chính luôn phản ánh đúng hiện trạng sử dụng đất, làm cơ sở để Nhà nước phân tích các hiện tượng kinh tế, xã hội phát triển trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Để quản lý quỹ đất đai có hiệu quả, nắm được mức độ sử dụng đất đai của địa phương đòi hỏi việc nắm bắt, cập nhật thông tin đầy đủ và phản ánh đúng thực trạng sử dụng đất thông qua việc đăng ký, chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai trên hồ sơ địa chính.
Vừa qua, để đánh giá công tác quản lý, điều hành và chấp hành quy định pháp luật về đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và tiến hành khảo sát, làm việc trực tiếp với một số Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện và có buổi làm việc, giám sát đối với Sở Tài nguyên và Môi trường về “Công tác quản lý nhà nước về việc chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh”.
Ban Kinh tế - Ngân sách giám sát làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường
Thực trạng công tác quản lý chỉnh lý biến động đất đai của địa phương
Nhìn chung, công tác chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn được quan tâm chỉ đạo và tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 và các quy định pháp luật có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, các quy định về đất đai, trong đó có công tác đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai. UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện, xuất phát từ những vấn đề thực tế phát sinh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đã ban hành một số văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các quy định của cấp trên.
Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thực hiện chỉnh lý biến động đất đai đến đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động được thực hiện thông qua hệ thống Egov, qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn; đối với doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu qua hình thức niêm yết các văn bản quy định, bộ thủ tục hành chính tại các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” của các huyện, thị xã, thành phố, đăng tải trên trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường và thông qua việc hướng dẫn, giải thích khi doanh nghiệp và người dân thực hiện thủ tục đất đai. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh về chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký, chỉnh biến động đất đai được nâng lên.
Công tác chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phần lớn các hồ sơ đăng ký chỉnh lý biến động đất đai được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, trong đó đã hoàn thành cơ bản công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giai đoạn 2020 – 2022, trên địa bàn tỉnh có 786.847 hồ sơ đăng ký biến động, số hồ sơ đã giải quyết 776.742 hồ sơ, tỷ lệ 98,7%, trong đó đã giải quyết đúng hạn 762.566 hồ sơ, tỷ lệ 96,9%.
Hiện nay, công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai được thực hiện tại Bộ phận một cửa cấp huyện, quá trình tiếp nhận và trả kết quả, cũng như chuyển hồ sơ về phòng chuyên môn xử lý, có mở sổ, lập phiếu giao nhận hồ sơ đầy đủ. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai được thực hiện theo Quyết định số 2882/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh về việc công bố danh mục và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, trong đó bộ thủ tục hành chính được phân thành 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Công tác thống kê đất đai được thực hiện hàng năm theo quy định, việc cập nhật, chỉnh lý biến động được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo thông tin hồ sơ địa chính lưu trữ được chính xác và thống nhất giữa các cấp quản lý.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được đẩy mạnh, Bộ thủ tục hành chính được xây dựng quy trình cụ thể và cập nhật vào Hệ thống một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến, giúp cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân tra cứu, biết được tiến độ thông tin hồ sơ đất đai đang được xử lý; việc thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) qua môi trường mạng đang được thực hiện thí điểm công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo mức độ 3 và mức độ 4 thu phí cấp Giấy chứng nhận qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng. Việc thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh được đầu tư, có 09/09 huyện, thị xã, thành phố đang trong quá trình thực hiện xây dựng và từng bước hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai trên phần mềm quản lý VBDLIS, VNPT-ILIS, Vilis 2.0, sau khi phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, đầy đủ, giúp công tác tra cứu, khai thác, quản lý, cập nhật, cung cấp thông tin đất đai được nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Một số khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý chỉnh lý biến động đất đai
Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, việc giải quyết hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai có lúc còn chậm, số hồ sơ trễ hạn còn nhiều, vẫn còn hồ sơ chưa giải quyết (Số hồ sơ đã giải quyết quá hạn 14.176 hồ sơ; Số hồ sơ chưa giải quyết 10.093 hồ sơ, trong đó: Chưa giải quyết trong hạn 9.658 hồ sơ, chưa giải quyết quá hạn 435 hồ sơ). Công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai còn khó khăn, phải nhập dữ liệu và sử dụng cùng lúc nhiều phần mềm; việc tiếp nhận và trả kết quả có nội dung thực hiện chưa đúng quy định (kết thúc hồ sơ trên phần mềm khi chưa giải quyết xong; yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần, hẹn trả kết quả nhiều lần; chưa thực hiện nghiêm việc “xin lỗi khi giải quyết quá hạn”;…) dẫn đến người dân còn phải đi lại nhiều lần, gây bức xúc.
Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, chỉnh lý biến động đất đai được quan tâm thực hiện, tuy nhiên thủ tục hành chính còn nhiều, quy trình giải quyết thủ tục có nội dung chưa phù hợp dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện, việc giải quyết thủ tục đối với hồ sơ tặng cho, thừa kế còn chưa đồng bộ giữa Văn phòng đăng ký đất đai với ngành thuế; việc triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) qua môi trường mạng còn hạn chế, quy trình, các bước thực hiện còn phức tạp, chưa đồng bộ nên người dân đa số muốn nộp hồ sơ trực tiếp; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh được quan tâm đầu tư nhưng quá trình triển khai chậm, chưa hoàn chỉnh, còn bị lỗi, chưa liên thông (phần mềm Một cửa điện tử, phần mềm dịch vụ công tỉnh, phần mềm cơ quan Thuế, các phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai), nhiều phần mềm quản lý được đưa vào khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh, quy trình, các bước thực hiện còn phức tạp trong khi việc sử dụng phần mềm của các bộ, công chức, người lao động một số nơi còn hạn chế, do đó công tác quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai hiệu quả chưa cao.
Khu vực tiếp nhận và trả hồ sơ tại Bộ phận một cửa huyện Dương Minh Châu
Bên cạnh đó, việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện quy định về tách thửa, quy định về người dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng còn chậm; việc xử lý trường hợp có thay đổi về đường giao thông giữa bản đồ cũ, bản đồ mới và hiện trạng sử dụng đất chưa có hướng dẫn thống nhất; việc thực hiện thu phí chỉnh lý của người dân trong các trường hợp thu hồi đất, hiến đất, trùng thửa, lộn thửa còn bất cập, chưa thống nhất. Công tác thống kê hàng năm một số địa phương còn chậm, việc cập nhật, chỉnh lý biến động có nội dung chưa kịp thời, chưa đầy đủ, còn sai sót, ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch sử dụng đất và gây khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chỉ ra những khó khăn, hạn chế nêu trên là do hệ thống văn bản pháp lý liên quan lĩnh vực đất đai rất nhiều, thường xuyên thay đổi, việc tiếp cận, cập nhật, nghiên cứu, áp dụng pháp luật vào thực tế công việc hàng ngày còn hạn chế; thực trạng quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương trải qua các thời kỳ, còn tồn tại nhiều yếu tố do lịch sử để lại, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, còn kéo dài; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai, việc công bố, công khai thủ tục liên quan hiệu quả chưa cao, còn nhiều hộ gia đình, cá nhân chưa nắm quy trình, thủ tục để thực hiện; việc triển khai các quy định, hướng dẫn thi hành pháp luật đến cơ sở có nội dung chưa đầy đủ, kịp thời, thống nhất dẫn đến một số cán bộ phụ trách công tác quản lý đất đai chưa nắm rõ quy định.
Công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai có lúc, có nơi còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, nên những khó khăn, vướng mắc, bất cập diễn ra trong thực tế chậm được xử lý, khắc phục; việc chỉ đạo, phối hợp giữa các ngành chức năng, ngành dọc và UBND cấp huyện, cấp xã một số nơi chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu, phục vụ công tác quản lý nhà nước về chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn cấp huyện, xã một số nơi vẫn còn thiếu, trình độ chuyên môn, năng lực được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế, áp lực giải quyết hồ sơ của các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khá lớn, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan, phục vụ chỉnh lý biến động đất đai còn thiếu, chậm được trang cấp, đường truyền mạng còn yếu, kho lưu trữ quá tải phải tận dụng phòng làm việc, khó khăn cho công tác quản lý, khai thác dữ liệu đất đai; các phần mềm thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, liên thông thuế vẫn còn hạn chế cần được bổ sung nâng cấp.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có một số đề xuất, kiến nghị đối với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó đề nghị tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý đăng ký, chỉnh lý biến động về đất đai; rà soát một số bất cập trong thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, chỉnh lý biến động đất đai đề xem xét, điều chỉnh, bổ sung đảm bảo thống nhất, hiệu quả, phù hợp với thực tế và quy định pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, chỉnh lý biến động đất đai; đồng thời nghiên cứu, có giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu quả công quản lý nhà nước về chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gan tới.
Huỳnh Thảo
Ý kiến bạn đọc