Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội

Thứ năm - 16/11/2023 16:07 125 0

Thẩm tra báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng được pháp luật giao cho các Ban của Hội đồng nhân dân. Đây là hoạt động đặc thù, chỉ có tại các Ban Hội đồng nhân dân, làm cơ sở để đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận trước khi Hội đồng nhân dân quyết định thông qua các báo cáo, các nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Để triển khai hoạt động thẩm tra có chất lượng, cần thiết phải chú trọng việc thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu, chú trọng khâu xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế làm rõ những nội dung cần quan tâm, tạo tiền đề cho việc triển khai thẩm tra đạt hiệu quả cao.

Trong thời gian qua, hoạt động thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội được thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật, từng bước đổi mới theo hướng chuyên sâu vào từng nội dung, từng lĩnh vực, cung cấp cho đại biểu những thông tin cốt lõi nhất về cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ những khả năng và điều kiện triển khai thực hiện Nghị quyết trong thực tiễn để đại biểu nghiên cứu, xem xét thảo luận, quyết định trước khi biểu quyết thông qua các báo cáo, nghị quyết tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trong năm, Ban Văn hóa - Xã hội đã thực hiện thẩm tra 01 báo cáo (báo cáo kinh tế - xã hội) và 04 Nghị quyết chuyên đề có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương[1].

Tuy nhiên, hoạt động thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội cũng còn hạn chế, chất lượng thẩm tra một số báo cáo chưa sâu, một số báo cáo thẩm tra chưa có tính phản biện cao.

Nguyên nhân công tác phối hợp với cơ quan soạn thảo có lúc còn chưa kịp thời, cơ quan soạn thảo gửi báo cáo, tài liệu thẩm tra cận ngày diễn ra cuộc họp, ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, tiếp cận báo cáo của các thành viên Ban.

Để công tác thẩm tra của Ban tiếp tục phát huy hiệu quả, chất lượng, tính phản biện cao  trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động trong việc thẩm tra

Ngay từ đầu năm Ban cần nghiên cứu kỹ chương trình, kế hoạch kỳ họp của Hội đồng nhân dân, thu thập thông tin, tìm hiểu những nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách để phục vụ công tác thẩm tra. Chủ động rà soát lại những Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành từ những năm trước gần hết hoặc đã hết hiệu lực để chủ động đề xuất bãi bỏ hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp với văn bản cấp trên.

          Bên cạnh đó, Ban cần chủ động phối hợp cùng các Ban của Hội đồng nhân dân nghiên cứu, trao đổi thông tin phục vụ tốt cho công tác thẩm tra

Thứ hai, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo

          Với mục tiêu các Nghị quyết khi ban hành phải có tính khả thi cao, các nội dung của nghị quyết đảm bảo đúng quy định, nghị quyết phải phù hợp với khả năng chi ngân sách của địa phương, do vậy trong quá trình soạn thảo, Ban cần chủ động phối hợp trao đổi, thống nhất các quan điểm, định hướng trên với cơ quan soạn thảo. Chủ động tham dự các cuộc họp do ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức để nắm thêm thông tin, tham gia đóng góp ý ngay từ khâu soạn thảo.

            Thứ ba, khảo sát thực tế làm rõ những nội dung cần quan tâm

Song hành với việc nghiên cứu tài liệu, Ban cần tiến hành khảo sát thực tế để làm rõ những nội dung mà nghị quyết thông qua, nhất là các nội dung theo quy định của pháp luật liên quan đến các quy định cấm, hạn chế thực hiện; các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân; thu thập thông tin thêm từ các cuộc phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với những Nghị quyết liên quan đến lợi ích của nhiều đối tượng, nhận diện những bất cập hạn chế về nội dung quy định và khâu tổ chức thực hiện để trao đổi tại các buổi làm việc.

Thứ tư, tham gia có trách nhiệm vào các báo cáo, dự thảo nghị quyết trong các cuộc họp của cấp ủy cùng cấp, Ủy ban nhân dân (nếu được mời)

Cần nghiên cứu kỹ các nội dung được phân công thẩm tra để kịp thời có ý kiến với cơ quan soạn thảo, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy cùng cấp, Ủy ban nhân dân xem xét bổ sung, sửa đổi các nội dung cần phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật.

Thứ năm, tổ chức họp thẩm tra trước kỳ họp

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thẩm tra. Dựa vào tính chất công việc của từng thành viên Ban, tổ chức phân công nhiệm vụ nghiên cứu nội dung trong nghị quyết cho phù hợp, trên cơ sở đó có kiến nghị xác đáng đối với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện nội dung trình. Đối với những nội dung không bảo đảm cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn hoặc không thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, không bảo đảm tính khả thi, chưa bố trí được nguồn lực, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, Ban báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến và nhất trí không thông qua tại kỳ họp. Qua đó, vai trò của Ban được nâng lên rõ rệt, đảm bảo chất lượng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, phát huy hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra

Báo cáo thẩm tra ngoài việc bảo đảm khách quan, trọng tâm, toàn diện,  còn phải thể hiện rõ được tính phản biện cao; báo cáo phải nêu rõ quan điểm, chính kiến của Ban đối với vấn đề thẩm tra. Báo cáo thẩm tra cần cung cấp nhiều thông tin, luận cứ khoa học, cần có căn cứ pháp lý rõ ràng, có những nhận định phân tích để đại biểu có định hướng trong thảo luận… Bên cạnh đó báo cáo thẩm tra cần phải luôn đổi mới từ cách viết, cách trình bày, không rập khuôn, máy móc, không trình bày theo một lối mòn. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nghiên cứu thực tiễn và dư luận liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, nghiên cứu các báo cáo thẩm tra của Quốc hội để tham mưu tốt lĩnh vực văn hóa - xã hội.

                                                                                                       Nhung Võ

 

[1] Nghị quyết Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023 - 2025; Nghị quyết quy định nội dung chi và mức chi đối với Đội tuyên truyền lưu động và Đội nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập năm học 2023 - 2024 đến năm học 2025 - 2026 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập17
  • Hôm nay5,176
  • Tháng hiện tại71,681
  • Tổng lượt truy cập929,036
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây