Một số điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026

Thứ ba - 13/04/2021 15:00 52 0

Một số điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026

Chủ nhật, ngày 23/5/2021, là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
Xét ở góc độ điều kiện, tiêu chuẩn, cơ cấu HĐND so với nhiệm kỳ trước, thì công tác bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026 có một số thay đổi do tác động Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sửa đổi, bổ sung 2019. Cùng theo đó là các văn bản hướng dẫn của các cơ quan cũng có nhiều điểm mới để phù hợp với quy định của luật mới sửa đổi, là cơ sở để các cơ quan, tổ chức triển khai áp dụng thực hiện. Dưới đây là 03 điểm mới cơ bản trong công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026: Thứ nhất: Về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp. So với nhiệm kỳ trước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định cụ thể hơn đối với người ứng cử đại biểu HĐND chỉ "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Luật Quốc tịch Việt Nam cũng quy định người có 01 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam phải là người không đồng thời có quốc tịch của một quốc gia khác. Vì vậy, về nguyên tắc, người đang có quốc tịch nước ngoài, người có nguyện vọng và đang thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch của quốc gia khác đều không đủ điều kiện để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Thứ hai: Về số lượng, cơ cấu đại biểu HĐND Theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 thì số lượng, cơ cấu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Cụ thể về số lượng đại biểu HĐND giảm đều ở từng cấp, trong đó tùy thuộc vào số dân và loại hình đơn vị hành chính là đồng bằng, miền núi, vùng cao, hải đảo. Trong đó: - Đối với HĐND cấp tỉnh: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu); tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu, trước là 95 đại biểu, giảm 10 đại biểu. Riêng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu (từ 105 xuống còn 95 đại biểu). - Đối với HĐND cấp huyện: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu); huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu, trước là 40 đại biểu, giảm 5 đại biểu. - Đối với HĐND cấp xã: Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2000 dân đến dưới 3000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu); xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu); xã còn lại có từ 5000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu, trước là 35 đại biểu, giảm 4 đến 6 đại biểu. Về cơ cấu của Thường trực HĐND và số lượng đại biểu HĐND chuyên trách có sự thay đổi, cụ thể: - Đối với cấp tỉnh: Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của Thường trực HĐND cấp tỉnh không còn chức danh Chánh Văn phòng HĐND. Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. - Đối với cấp huyện: Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp huyện. So với nhiệm kỳ trước, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định hai Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện. - Đối với cấp xã: Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và có thêm các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp xã. Riêng đối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, do đó, tại quận, phường của Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tại phường của Thành phố Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thứ ba: Việc xác định độ tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019 Điểm mới của cuộc bầu cử lần này là việc tính tuổi được áp dụng đối với đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và không chuyên trách). Như vậy, cán bộ, công chức, viên chức lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND phải đủ tuổi tham gia 02 khóa HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa, nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây. Đại biểu HĐND tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021, nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây. Riêng những người ứng cử đại biểu HĐND là cán bộ Quân đội, Công an thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân. Đối với những trường hợp tuổi ứng cử cao hơn như lãnh đạo các hội thì thực hiện theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định. Ngoài ra, một trong những nội dung được Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử quan tâm là tình hình dịch bệnh Covid hiện nay có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Vì vậy, lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Ủy ban bầu cử chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế. Hiện tại, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và địa phương, hầu hết các điểm mới trên đã được Ủy ban bầu cử các cấp ở Tây Ninh tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đảm bảo công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng quy định của pháp luật. KD

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay690
  • Tháng hiện tại83,607
  • Tổng lượt truy cập1,861,894
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây