Nâng cao chất lượng hoạt động HĐND tỉnh Tây Ninh, phải bắt đầu từ mỗi đại biểu dân cử

Thứ tư - 19/05/2021 23:00 64 0

Nâng cao chất lượng hoạt động HĐND tỉnh Tây Ninh, phải bắt đầu từ mỗi đại biểu dân cử

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình; gương mẫu chấp hành pháp luật, có trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực công tác; có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND.....
Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Để đại biểu HĐND có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, thì việc từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là một công việc hết sức quan trọng và cần thiết. Có thể nói, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực sự là nguời đại diện cho nhân dân. Tại các kỳ họp, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và nhất là các nghị quyết liên quan đến chính sách của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã thông qua 233 nghị quyết (tăng 48 nghị quyết so với nhiệm kỳ trước); trong đó có 100 nghị quyết quy phạm pháp luật, 133 nghị quyết cá biệt; gồm: 126 nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách; 15 nghị quyết lĩnh vực văn hóa - xã hội; 33 nghị quyết lĩnh vực pháp chế; 45 nghị quyết về công tác nhân sự và 14 nghị quyết khác về chương trình giám sát, kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh,…. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đã có nhiều chính sách đặc thù của địa phương được ban hành như: Các Nghị quyết về thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế nông thôn; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình không khả năng thoát nghèo,...qua đó, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri tỉnh nhà. Trong hoạt động chất vấn, một số đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi đối với những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà đại biểu và cử tri quan tâm. Trong hoạt động giám sát, đại biểu đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình có nhiều ý kiến xác đáng nhằm làm rõ trách nhiệm của cơ quan được giám sát, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục nên chất lượng hoạt động giám sát ngày càng nâng lên. Trong công tác tiếp xúc cử tri đại biểu đã tham gia tiếp xúc cử tri tại nơi ứng cử khá đầy đủ, tại buổi tiếp xúc đại biểu HĐND tỉnh của 09 Tổ đại biểu đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị và những tâm tư nguyện vọng của cử tri tổng hợp gửi về Thường trực HĐND tỉnh là 725 kiến nghị và chuyển đến ngành chức năng giải quyết cho cử tri và giám sát việc thực hiện. Trong nhiệm kỳ, một số Tổ đại biểu đã tổ chức giám sát, khảo sát các vấn đề bức xúc của cử tri tại đơn vị ứng cử như: Tổ đại biểu Trảng Bàng khảo sát ý kiến cử tri về tình trạng khai thác cát lậu trên sông Vàm Cỏ Đông; Tổ đại biểu Hòa Thành khảo sát tình trạng xây dựng trụ thu phát sóng tại khu đất của nhà dân; Tổ đại biểu Tân Châu khảo sát kiến nghị cử tri về tuyến đường ĐT 785 trên địa bàn huyện Tân Châu,…Qua đó, đã kiến nghị các ngành chức năng quan tâm giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri. Từ những hoạt động trên của đại biểu, cử tri ngày càng tin tưởng vào HĐND, từ đó vai trò, vị thế của HĐND trong hệ thống chính trị ở địa phương ngày càng được khẳng định và tăng cường. Tuy nhiên, hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là đại biểu chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản,... còn có nội dung chưa sâu. Chất lượng hoạt động của đại biểu chưa đồng đều, một số ít đại biểu chưa thật sự tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, còn thiếu tự tin, ngại va chạm trong hoạt động chất vấn. Một số đại biểu chưa sắp xếp công việc, thời gian để tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử nên chưa nắm bắt và chuyển tải kịp thời tình hình và những vướng mắc của địa phương với cơ quan chức năng. Từ đó, dẫn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND bị hạn chế. Lĩnh vực hoạt động của HĐND rất rộng, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức tổng quan và kinh nghiệm thực tiễn, trong khi đó trình độ của đại biểu chưa đồng đều nên việc tiếp cận với các nguồn thông tin còn hạn chế dẫn đến việc tiếp thu, giải trình với cử tri trong tiếp xúc cử tri còn chưa sâu, thiếu tự tin trong hoạt động chất vấn,... Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐND thì người đại biểu phải có trình độ năng lực, tâm huyết với hoạt động của HĐND, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu, định kỳ hàng năm đại biểu phải báo cáo với cử tri việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Do đó, mỗi đại biểu cần chủ động nâng cao, rèn luyện kỹ năng, nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết cả HĐND để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND và thực sự là người đại biểu đại diện của nhân dân. Ngọc Cẩn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập72
  • Hôm nay322
  • Tháng hiện tại45,692
  • Tổng lượt truy cập1,993,303
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây