Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 07/01/2022 15:00510
Sáng ngày 06 tháng 01 năm 2022, tiếp theo chương trình kỳ họp bất thường, Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh thảo luận tại Tổ cho ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Đối với việc sửa đổi liên quan đến Luật Điện lực, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng Điện như là máu của nền kinh tế, của các hoạt động, sinh hoạt của phần lớn người dân, của doanh nghiêp và xã hội; có vai trò rất quan trọng trong an ninh quốc phòng. Việc sửa đổi luật Điện lực để thu hút nguồn lực xã hội xây dựng hệ thống truyền tải điện là hết sức cần thiết. Thực tiễn thời gian qua cho thấy từ sự đầu tư của tư nhân vào trạm biến áp, sân phân phối, lưới điện truyền tải…. đã góp phần giải tỏa được một số nút thắt trong kết nối giữa nhà máy phát điện với lưới điện quốc gia.
Khi luật ban hành, sẽ tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển lưới điện và nếu các ngành, các địa phương liên quan làm tốt, có thể sẽ tạo nên sự phát triển mạnh mẽ như đã thấy trong đầu tư xây dựng các khu phát điện gió, điện mặt trời thời gian qua.
Đại biểu Phạm Hùng Thái thống nhất nhưng hiện nay, nhiều dự án điện mặt trời mái nhà lớn của cá nhân đã và đang triển khai. Do đó, nhu cầu đấu nối vào lưới điện truyền tải của các cá nhân trong thời gian tới rất cao. Đề nghị bổ sung đối tượng là cá nhân hoạt động điện lực.
Về sửa đổi Luật Đầu tư, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, theo quy định thì khi có 1m2 đất ở còn lại là "Các loại đất khác" sẽ được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đồng thời với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Được chuyển mục đích sử dụng đất số đất còn lại sang làm đất ở để thực hiện dự án. Nếu chỉ có các loại đất khác thì không được chấp thuận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đồng thời với quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; việc chuyển mục đích sử dụng đất số đất còn lại sang làm đất ở để thực hiện dự án là rất khó khăn; Do vướng chuyện "Con gà, quả trứng": Muốn chấp thuận chủ trương đầu tư phải có QSD đất ở hoặc đất ở và các loại đất khác; ngược lại muốn được chuyển quyền sử dụng đất phải có chủ trương đầu tư. Đây là sự bất hợp lý nhưng khi sửa luật sẽ giải quyết được vướng mắc trên.
Về sửa đổi liên quan đến Luật Đầu tư công, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị bổ sung tại Khoản 4, đoạn 2 quy định "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này" vào khoản 6 Điều 17 Luật Đầu tư công. Lý do, để phù hợp với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đề nghị xem xét bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 với nội dung: "Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương". Lý do góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cơ bản đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, tuy nhiên, đề nghị xem xét lại về quy định của điều khoản chuyển tiếp. Đề nghị cần quy định cụ thể từng quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định về hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể thực tế: chuyển tiếp như thế nào? Giai đoạn nào? Thủ tục ra sao? Xử lý hậu quả pháp lý phát sinh và các vấn đề liên quan đến luật khác sao cho phù hợp nhất.
Đối với Luật Thi hành án dân sự, đại biểu Thái đề nghị tại điểm đ khoản 2 Điều 57, bổ sung quy định xác định trách nhiệm phát sinh như khiếu nại, tố cáo, thiệt hại phát sinh (nếu có) do cơ quan yêu cầu dừng, tạm dừng xử lý tài sản chịu trách nhiệm. Bởi quá trình xử lý tài sản, nhất là khâu định giá, bán đấu giá đều có quy định thời hạn nên việc dừng, tạm dừng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy liên quan.
Đề nghị bổ sung thêm điểm h vào dự thảo, nội dung quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình xử lý tài sản uỷ thác do cơ quan THADS nơi nhận uỷ thác xử lý tài sản giải quyết. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định Luật THADS.
Đề nghị quy định lại trường hợp trả đơn yêu cầu thi hành án như quy định ban đầu tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Bởi trên thực tế, khi các hồ sơ đủ điều kiện trả đơn yêu cầu và đưa vào lưu trữ sẽ giảm được khối lượng hồ sơ khi đưa vào diện chưa có điều kiện, theo dõi riêng, tăng tỷ lệ hồ sơ xong, giảm áp lực chỉ tiêu cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người được thi hành án trong việc phải theo dõi điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tránh dồn hết trách nhiệm cho cơ quan thi hành án.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng chủ trương đầu tư đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án quan trọng Quốc gia theo quy định Luật Đầu tư công. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có quy hoạch Quốc gia được Quốc hội thông qua nên cần thận trọng rà soát. Về thời gian thực hiện thì trong năm 2022 giải phóng mặt bằng, tái định cư 2022-2023; khởi công năm 2023; hoàn thành tuyến 2026, cần dự kiến các tình huống phức tạp để xử lý kịp thời. Cần làm rõ 81 km của Dự án trùng với đường Hồ Chí Minh hiện hữu, phương án xử lý đoạn trùng đó có ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đề nghị cần đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thời gian qua không đạt hiệu quả cao để rút kinh nghiệm vì đây là chủ trương lớn, cần tiếp tục lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. (Vì dự án giai đoạn này, giai đoạn trước cũng chuyển sang đầu tư công thay vì theo phương thức đối tác công tư (PPP) như ban đầu). Phương án thu hồi vốn đầu tư công trong tờ trình chưa rõ, cần nghiên cứu kỹ để có phương án khả thi vì nguồn vốn đầu tư công rất lớn
Về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy thống nhất chủ trương ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ. Cần Thơ là trung tâm của vùng đồng bằng Sông cửu Long, xây dựng trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách thì đối với nội dung về quản lý đất đai, tác động của các giải pháp đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp về kinh tế, xã hội chưa rõ.
Về cơ chế nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An-Cần Thơ, đại biểu Thúy đề nghị làm rõ nếu chỉ khơi thông cục bộ đoạn Định An- Cần Thơ mà không nạo vét khơi thông toàn tuyến thì có giải quyết được khơi thông luồng lạch để phục vụ vận tải biển như kỳ vọng không. Đồng thời, việc nạo vét này có làm cho tình trạng sạt lở, sụt lún của Đồng bằng Sông Cửu Long trở lên nghiêm trọng hơn? Đề nghị cần quy định thêm điều kiện phải chọn lựa công nghệ thật sự tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực môi trường để phát triển bền vững.
Đại biểu Phạm Hùng Thái cho rằng về quản lý đất đai và quy hoạch thì giao thẩm quyền cho HĐND thành phố Cần Thơ là phù hợp với các chính sách đặc thù trước đây đã giao cho các tỉnh khác. Tuy nhiên, thành phố Cần Thơ nằm trong đồng bằng sông Cửu Long nên cần phải có quy định điều kiện cụ thể khi chuyển mục đích đất lúa sẽ không làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực Quốc gia, phù hợp với Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia, không ảnh hưởng chỉ tiêu sử dụng đất chung. Trong quá trình chuyển đổi không làm ảnh hưởng lớn về đời sống người dân, tránh trường hợp khiếu nại khi thực hiện dự án…
Thanh Tâm (lược ghi)