Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ hai - 10/01/2022 03:00700
Sáng ngày 07 tháng 01 năm 2022, tiếp tục làm việc ngày thứ 3, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phiên thảo luận có 50 đại biểu phát biểu tại hội trường, có 3 đại biểu tranh luận và còn 14 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian. Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí cần thiết có chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến thống nhất về quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ, đề nghị rà soát lại việc phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm và khả thi trong thực hiện, trong hấp thụ vốn. Các đại biểu cũng lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trục lợi, lãng phí, thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách và đảm bảo các cân đối vĩ mô, an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phát triển bền vững.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là vấn đề bội chi ngân sách, đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc tăng bội chi ngân sách là bắt buộc để có nguồn ngân sách đầu tư thực hiện chương trình. Nếu kịch bản tăng trưởng diễn ra đúng như dự kiến thì bội chi ngân sách vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thậm chí bối cảnh thuận lợi có thể đạt tốc độ tăng trưởng vượt chỉ tiêu, qua đó giảm được tỷ lệ bội chi. Tuy nhiên, kịch bản tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều và tình hình dịch bệnh. Nếu dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp, lĩnh vực dịch vụ thương mại sẽ hết sức khó khăn và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP. Dù rằng, các ngành sản xuất công, nông nghiệp có thể phục hồi sản xuất thì bội chi ngân sách và các chỉ tiêu vĩ mô khác vẫn sẽ khó kiểm soát. Do vậy, các đại biểu cũng cho rằng việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình là cần thiết. Song, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lại tác động của các gói hỗ trợ, khoản nào có tác động nhỏ đến đối tượng thụ hưởng, không tạo được động lực mạnh cho tăng trưởng hoặc ít tác động đến sự ổn định đời sống người lao động thì có thể cân nhắc để cắt giảm nhằm giảm gánh nặng về ngân sách, qua đó có thể giảm tỷ lệ tăng bội chi ngân sách nhằm đề phòng kịch bản tăng trưởng không diễn ra như dự báo.
Về nội dung xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi sáp nhập thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp các khoản chi ủng hộ tài trợ của doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống dịch là vấn đề được nhiều đại biểu tham gia tranh luận, đa số ý kiến đồng ý với Phương án 1 "Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính", bởi lẽ, phương án đã thể hiện được sự động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với tinh thần chung tay của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, nội dung này đã được thực hiện cho kỳ tính thuế năm 2020 và năm 2021 theo Nghị định 44 của Chính phủ.
Cũng có ý kiến đại biểu đề nghị cần được tính toán, cân nhắc không nên thực hiện.
Đại biểu Trần Hữu Hậu phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận
Đại biểu Trần Hữu Hậu - Tây Ninh đã có ý kiến tranh luận về nội dung này, đại biểu Hậu cho rằng đây là việc cần làm vì 3 lý do:
Thứ nhất, là mong muốn của không ít doanh nghiệp muốn hỗ trợ của mình đến những nơi cần thiết một cách trọn vẹn, nhanh chóng, không bị thất thoát hoặc sai mục đích hoặc là chậm trễ, nếu là những địa chỉ cụ thể thì lại càng tốt. Mặt khác, họ cũng rất mong muốn thấy được sự hỗ trợ cụ thể của mình phát huy hiệu quả trong thực tế như thế nào, do đó việc trao bằng hiện vật là mong muốn của không ít các doanh nghiệp.
Thứ hai, có một số ý kiến lo ngại việc hàng hóa tài trợ sẽ bị đẩy giá lên, khiến cho Nhà nước thất thoát thuế do chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bị nâng lên. Tôi cho rằng có thể là có điều đó, tuy nhiên cá nhân tôi thấy rằng chiêu bài tăng giá, bòn rút ngân sách nhà nước thường xảy ra khi thực hiện các dự án, chương trình từ nguồn vốn nhà nước thông qua sự cấu kết giữa doanh nghiệp và một số cán bộ biến chất. Về cơ bản cộng đồng doanh nghiệp khi làm công tác xã hội không bao giờ tính toán như vậy.
Thứ ba, về các địa phương tổ chức nhận tài trợ. Qua tham khảo, chúng tôi thấy rằng nếu những thiết bị sinh phẩm phù hợp với yêu cầu thực tế thì họ luôn muốn nhận hiện vật hơn vì có thể đưa ngay vào sử dụng, nếu nhận tiền thì thủ tục để chi ra mua thiết bị sinh phẩm rất nhiêu khê và rất chậm. Ngoài ra thì cũng không ít cá nhân, đơn vị rất ngại khi đứng ra làm chủ trì mua, do thời gian qua có những tiêu cực liên quan đến vấn đề này. Do vậy, tôi đồng tình với phương án 1 của dự thảo và nếu thực hiện phương án này thì sẽ có thêm phương thức phù hợp để thu hút thêm nguồn lực của doanh nghiệp.
Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu của đại biểu.
Buổi chiều, từ 15 giờ 30, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Trong phiên thảo luận này có 13 đại biểu đã phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long; cho phép Cần Thơ áp dụng 8 nhóm chính sách đặc thù như Chính phủ trình bày. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu đề nghị lưu ý một số vấn đề về quy hoạch phát triển vùng, vấn đề môi trường, vấn đề tổ chức thời gian có hiệu lực của Nghị quyết. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, giải trình làm cơ sở hoàn chỉnh nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thanh Tâm