Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ sáu - 29/10/2021 05:00330
Sáng ngày 28 tháng 10 năm 2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.
Kết thúc phiên thảo luận đã có 31 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận, các ý kiến đại biểu tập trung vào các vấn đề nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng lần này sửa đổi luật đã có diện bao phủ rất rộng, cả hệ thống chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội; tập thể, cá nhân, gia đình, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đảm bảo được tính kế thừa và đổi mới, kế thừa những điều, khoản, những nội dung, những vấn đề mà thực tiễn đã chứng minh rất hợp lý, có sức lan tỏa, đã có tính ổn định, kể cả tên danh hiệu; vấn đề xuất phát từ thực tiễn, hướng mạnh hơn về khu vực ngoài nhà nước và khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, nhất là đối tượng là công nhân, nông dân, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, v.v.. Đặc biệt là hướng về cơ sở, khen thưởng cho các tập thể cơ sở và chú trọng hơn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo. Luật đảm bảo được mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng; trong thi đua thì có các danh hiệu thi đua, trong các hình thức khen thưởng cũng có danh hiệu thi đua; thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng…
Về thi đua và danh hiệu thi đua, các đại biểu phát biểu đồng tình cao, cần có sự quan tâm đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cho phù hợp hơn với tiêu chuẩn và thực tiễn, đề nghị cũng phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể để phù hợp và sát với yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu tham dự buổi thảo luận dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại điểm cầu Tây Ninh
Về danh hiệu đối với thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố tiêu biểu và gia đình văn hóa tiêu biểu cần nghiên cứu, cân nhắc sao cho phù hợp với việc đưa ra tiêu chuẩn xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu, đặc biệt đó là về sáng kiến hoặc các đề tài khoa học, đề án khoa học và nhất là về việc xác định hiệu quả phạm vi áp dụng thực tiễn sao cho hợp lý hơn.
Về khen thưởng, đối với Huy chương thanh niên xung phong là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đại biểu Vũ Trọng Kim - Nam Định cho rằng dù khiêm tốn đến mấy thì lực lượng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến bảo vệ biên giới, tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuchia thì cũng đủ điều kiện và rất xứng đáng được phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đây là tấm Huy chương nhuộm máu, mồ hôi, nước mắt và bao công sức của hàng chục vạn nam, nữ thanh niên xung phong yêu quý. Nếu các đồng chí về Tân Biên Tây Ninh thì tại ngọn đồi 82 sẽ thấy những bia tưởng niệm ghi tên 2.630 liệt sĩ. Đây là một lực lượng đặc biệt và chỉ riêng có ở Việt Nam, trên thế giới không có. Đây là vấn đề rất độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh; họ xứng đáng có phần thưởng vì toàn là những người nam thanh, nữ tú. Họ tự nguyện xung phong xông ra Mặt trận, thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu làm nô lệ, đó là biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước dân tộc Việt Nam và của thanh niên Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Tại phiên thảo luận đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 01 ý kiến đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến phát biểu của đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi); các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung về: mục đích, quan điểm xây dựng Luật; tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; bố cục của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh (thẩm quyền cấp phép phân loại phim; Hội đồng thẩm định và phân loại phim; phân loại phim; trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh); sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; hành vi bị nghiêm cấm...
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thứ sáu, ngày 29/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); thảo luận ở Tổ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Thanh Tâm