Toàn cảnh kết quả quản trị và hành chính công (Chỉ số PAPI) giai đoạn 2016-2021 của Tây Ninh

Thứ tư - 28/04/2021 18:00 37 0

Toàn cảnh kết quả quản trị và hành chính công (Chỉ số PAPI) giai đoạn 2016-2021 của Tây Ninh

Sau 12 năm hình thành và phát triển, chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp, được Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện.
Theo đó, Chỉ số PAPI được thực hiện bằng cách lấy mẫu phỏng vấn trực tiếp người dân tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, sau đó tính điểm cụ thể và xếp hạng theo 04 nhóm: cao nhất, trung bình cao, trung bình thấp và thấp nhất. PAPI bao gồm 8 tiêu chí, 29 nội dung thành phần, hơn 120 chỉ tiêu chính, 550 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam. Các tiêu chí của PAPI gồm: tham gia của người dân tại cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử. Hằng năm, PAPI công bố kết quả của năm trước vào giữa tháng 4 của năm sau, với kết quả của Tây Ninh từ năm 2015 đến năm 2020 cho thấy thứ hạng ngày càng giảm, cụ thể năm 2015 Tây Ninh đứng vị trí 27/63 tỉnh, thành phố; năm 2016 đứng vị trí 20/63; 2017 vị trí 21/63; 2018 vị trí 36/63; năm 2019 vị trí 41/63; 2020 vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh nhiệm kỳ chính quyền địa phương các cấp giai đoạn 2016-2021 sắp sửa kết thúc, nhìn lại toàn cảnh kết quả khảo sát PAPI giúp Tây Ninh tìm giải pháp đổi mới và cải thiện hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa quan trọng.   Kết quả thống kê trên cho thấy, "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" từng là thế mạnh của Tây Ninh trong những năm 2015 đến năm 2018, năm 2019 thì tiêu chí này dần đi xuống và hiện nay nằm ở nhóm thấp nhất. Tiêu chí kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cấu tạo bởi 04 nội dung chi tiết gồm: (1) Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; (2) Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; (3) Công bằng trong tuyển dụng vào nhà nước; và (4) Quyết tâm chống tham nhũng. Tổng điểm của tiêu chí này là 10 điểm và chia đều cho 04 nội dung chi tiết là 2,5 điểm. Thống kê kết quả cho thấy điểm số của 04 nội dung trên điều giảm, thấp nhất là 0,2, cao nhất là 0,31 điểm so với năm 2018, trong đó giảm nhiều nhất nằm ở  nội dung quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền. Đối với tiêu chí "Cung ứng dịch vụ công" là điểm số được giữ vững nhất trong giai đoạn 2015 -2020, tuy điểm số có giảm so với năm 2015, biến động năm 2018 nhưng nhìn chung vẫn giữ ở nhóm trung bình cao. Tiêu chí này cũng được cấu tạo bởi 04 nội dung chi tiết gồm: (1) dịch vụ y tế công lập; (2) dịch vụ giáo dục tiểu học công lập; (3) cơ sở hạ tầng căn bản; và (4) an ninh, trật tự khu dân cư. Một tiêu chí có nhiều biến động trong bảng thống kê đó là "Trách nhiệm giải trình với người dân", năm 2016, 2017 tiêu chí này được đánh giá cao nhất, đến năm 2018, 2019 lại được đánh giá nằm ở nhóm thấp nhất. Kết quả công bố cho thấy 02 nội dung "Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân" và "Tiếp cận dịch vụ tư pháp" đang bị đánh giá ở mức thấp nhất. Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là trong năm 2019, 2020 nội dung "Tiếp cận dịch vụ tư pháp" có dấu hiệu ngày suy giảm so với năm 2018. Thời gian tới, chính quyền địa phương nên tích cực, chủ động thực hiện tốt Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, giải quyết tốt những khúc mắc của dân; gặp gỡ, tiếp xúc với người dân thông qua các cuộc họp dân thường xuyên; tiếp thu và phúc đáp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của Nhân dân. Đối với 02 tiêu chí "Tham gia của người dân ở cấp cơ sở" và tiêu chí "Công khai, minh bạch" cả giai đoạn 2015-2020 Tây Ninh chưa lần nào nằm ở nhóm cao nhất. Từ năm 2017 đến năm 2019, tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở của Tây Ninh luôn nằm ở nhóm thấp nhất. Giống như các tiêu chí khác, tiêu chí tham gia của người dân ở cấp cơ sở cũng được cấu tạo bởi 04 nội dung chi tiết gồm: (1) Tri thức công dân; (2) Cơ hội tham gia; (3) Chất lượng bầu cử; và (4) Đóng góp tự nguyện. Trong đó điểm số của "cơ hội tham gia" lần lượt giảm qua các năm, cao nhất năm 2017 đạt 1,76/2,5 điểm, đến năm 2020 giảm xuống còn 0,72/2,5 điểm, tuy nhiên so với các nội dung còn lại thì "cơ hội tham gia" lại được nằm trong nhóm trung bình thấp, 03/4 nội dung chi tiết của tiêu chí này đều bị xếp ở nhóm thấp nhất. Tiêu chí "Công khai, minh bạch" cũng được cấu tạo bởi 04 nội dung chi tiết gồm: (1) Tiếp cận thông tin; (2) Danh sách hộ nghèo; (3) Thu, chi ngân sách cấp xã/phường; (4) Quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù. Kết quả thống kê từ 2015 đến 2020 cho thấy có 03/4 nội dung luôn nằm ở nhóm thấp nhất, trừ nội dung danh sách hộ nghèo nằm ở nhóm trung bình thấp. Nội dung tiếp cận thông tin được đưa vào đánh giá từ năm 2018, tuy nhiên từ lúc được đưa vào đánh giá đến nay nội dung này không có sự thay đổi về điểm số mà luôn nằm ở nhóm thấp nhất với điểm số 0,71/2,5 điểm. Điều này cho thấy nhu cầu người dân cần được biết chính quyền đang làm gì và đòi hỏi có thông tin đúng đắn, kịp thời để họ có thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và đánh giá chính sách một cách thực chất, có chất lượng; bị đánh giá ở mức thấp nhất, để thay đổi đánh giá này chính quyền cần đề ra giải pháp thực hiện tốt các nội dung công khai và các hình thức công khai theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. 02 tiêu chí "Quản trị môi trường" và "Quản trị điện tử" được đưa vào đánh giá năm 2018, kết quả 02 năm gần đây cho thấy 02 tiêu chí này luôn nằm ở nhóm trung bình thấp. Trong đó, lo ngại nhất của người dân Tây Ninh nằm ở nội dung chất lượng nguồn nước sinh hoạt của tiêu chí quản trị môi trường, điểm số ở nội dung này 03 năm liền nằm ở nhóm thấp nhất 0,38/3,33 điểm. Đối với tiêu chí "Quản trị điện tử" được cấu tạo bởi 03 nội dung chi tiết, trong đó 2 nội dung "sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương" và "Phúc đáp qua cổng thông tin điện tử" lại nằm ở nhóm thấp nhất. Đặc biệt, năm 2020 tuy tiêu chí này nằm được đánh giá thuộc nhóm trung bình thấp nhưng đó là 01 trong những nội dung kéo thứ hạng của Tây Ninh xuống nhóm thấp nhất trong 5 năm qua. Thời gian tới, Tây Ninh cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương. Tập trung giải đáp các thắc mắc của người dân trên cổng thông tin điện tử. Giải pháp cải thiện Chỉ số PAPI trong thời gian tới Để cải thiện điểm số và thứ tự xếp hạng của Chỉ số PAPI rất cần sự quyết tâm và hành động của chính quyền trong thời gian tới. Xác định nhiệm vụ, giải pháp chiến lược cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh; phấn đấu hàng năm các chỉ số nội dung của PAPI được xếp trong nhóm có điểm trung bình cao trở lên. Quy định rõ nhiệm vụ, giải pháp cải thiện 8 tiêu chí, 29 nội dung thành phần, quy định rõ nhiệm vụ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc cải thiện chỉ số PAPI. Xác định vai trò của người đứng đầu cơ quan nhà nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong nỗ lực nâng điểm PAPI của Tây Ninh. Tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm tại các địa phương có kết quả xếp hạng và điểm số tiêu chí thành phần cao để từ đó rút những bài học để áp dụng vào thực tiễn của Tây Ninh, ví dụ học tập tiêu chí Thủ tục hành chính công của Quảng Ninh; Cung ứng dịch vụ công và Quản trị điện tử của Đà Nẵng; Quản trị môi trường của  Đồng Tháp; … Lồng ghép thực hiện đồng bộ với Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2020-2025 và gắn với Chương trình hành động Cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tập trung đánh giá lại hiệu quả đầu tư về các trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử của tỉnh trong thời gian qua để chọn hướng đầu tư, trang bị có trọng tâm, trọng điểm nhằm cải thiện mức độ xếp hạng và điểm số đối với tiêu chí "Quản trị điện tử". Chia sẻ và trao đổi kết quả PAPI giai đoạn 2015 – 2020 đến cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã nhằm trao đổi giải pháp nâng cao chỉ số PAPI trên địa bàn và khởi động sự đồng hành của cán bộ, công chức các cấp đối với chỉ số này. KD

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập33
  • Hôm nay5,512
  • Tháng hiện tại95,211
  • Tổng lượt truy cập1,383,195
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây