Sáng ngày 30/11/2023, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thuờng lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh. Cuộc họp do ông Nguyễn Hồng Thanh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp 10/10 thành viên Ban Pháp chế, lãnh đạo Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Thanh tra tỉnh và lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh.
Cuộc họp đã tiến hành thẩm tra đối với 04 dự thảo Nghị quyết: Nghị quyết về phê duyệt số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024; Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Nghị quyết ban hành Chương trình phát triển đô thị thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030; Nghị quyết về việc tán thành Đề án phân loại đô thị và đề nghị công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II tỉnh Tây Ninh và 04 báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023; Báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; Báo cáo công tác Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2023.
Quang cảnh cuộc họp thẩm tra
Qua ý kiến thống nhất của các đại biểu dự họp, chủ trì kết luận một số nội dung sau: Đối với dự thảo Nghị quyết về phê duyệt số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024, theo quy định hiện hành, số lượng biên chế cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tăng thêm. Để nghị quyết HĐND tỉnh sau khi ban hành được triển khai thực hiện hiệu quả, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ lương, phụ cấp,... cho cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chỉ đạo UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở từng đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo theo quy định. Đối với dự thảo Nghị quyết quy định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung thêm vào báo cáo thẩm tra của Ban cụ thể giao UBND tỉnh cụ thể hóa các mức chi theo quy định pháp luật. Đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án phân loại đô thị và đề nghị công nhận thành phố Tây Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tây Ninh thì hiện nay thành phố Tây Ninh đã đạt được 59/63 tiêu chuẩn, còn 04 tiêu chuẩn chưa đạt theo tiêu chuẩn của đô thị loại II, do vậy Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn ưu tiên tập trung, huy động các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện 04 tiêu chuẩn chưa đạt nêu trên. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan đô thị, các công trình văn hoá công cộng, các khu đô thị thiết kế theo mô hình xanh,… góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn của đô thị loại II. Đối với dự thảo Nghị quyết về Chương trình phát triển đô thị thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, rà soát đánh giá những quy hoạch nhỏ để tích hợp gộp các quy hoạch theo vùng, phân khu hợp lý, tránh manh mún; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch các khu đô thị, hoàn thiện hạ tầng (xây dựng, giao thông), các công trình giáo dục, thương mại dịch vụ, các công trình công cộng, kiến trúc cảnh quan theo hướng đô thị hiện đại,… góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Đối với 04 báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đại biểu cơ bản đồng ý với các báo cáo. Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Thanh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục phát huy những mặt làm được, đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế cụ thể như: Đối với báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề về THTK, CLP chủ yếu lồng ghép với hoạt động thanh, kiểm tra về hành chính, chuyên môn nghiệp vụ, nên chưa phát hiện được các biểu hiện, hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công. Việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị ở một số cơ quan, đơn vị kém hiệu quả. Có tình trạng một số hạng mục công trình đầu tư từ ngân sách nhưng không sử dụng hoặc khai thác không hết công năng, công suất sử dụng dẫn đến lãng phí, một số hạng mục công trình không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời dẫn đến hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Công tác xử lý đối với tài sản là nhà, đất dôi dư chưa hiệu quả, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị. Công tác phòng chống tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm, chủ động trong công tác phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực; việc chủ động phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực qua công tác tự kiểm tra nội bộ còn hạn chế, số lượng vụ việc tự kiểm tra, phát hiện chưa nhiều; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công một số nơi còn chưa kịp thời;… Vẫn còn dư luận về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, chậm giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Công tác điều tra, xét xử, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tuy có sự cải thiện đáng kể nhất trong những năm gần đây nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số vụ án trả hồ sơ điều tra lại; một số vụ án kéo dài nhiều năm thuộc phạm vi theo dõi của chính quyền địa phương; một số vụ việc phải xin ý kiến các cấp nhiều lần nên bị kéo dài; một số vụ việc xử lý hành chính sau khi có bản án của Tòa án có kéo dài, chưa thống nhất quan điểm.
Ngọc Cẩn
Ý kiến bạn đọc