Để chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh (kỳ họp cuối năm), sáng ngày 30/11/2023, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị thẩm tra do bà Nguyễn Thị Yến Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban chủ trì.
Qua thẩm tra, Ban Kinh tế và Ngân sách cơ bản thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh về những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Năm 2023, tỉnh Tây Ninh phải đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình thế giới, dưới tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, khả năng cạnh tranh, sức chống chịu còn hạn chế của nền kinh tế, doanh nghiệp,… đã ảnh hưởng đến việc triển khai các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh; nhưng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, giám sát có hiệu quả của HĐND, sự chỉ đạo, điều hành chủ động của UBND tỉnh trong việc triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân toàn tỉnh, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,5% so với cùng kỳ, tuy chưa đạt mục tiêu kế hoạch năm 2023 nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng GDP cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 100% dự toán với 9/15 khoản thu đạt từ 100% trở lên, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,5% so với cùng kỳ, Du lịch có bước phát triển khá, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu với 5,1 triệu lượt khách, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững ổn định.
Ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo tại hội nghị thẩm tra
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Trong bối cảnh khó khăn chung, Tỉnh có 07/20 chỉ tiêu cơ bản chưa đạt mục tiêu đề ra; xuất khẩu giảm; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; đầu tư tư nhân trong nước còn nhiều khó khăn; một số chương trình, đề án, dự án trọng điểm tiến độ thực hiện còn chậm; một số quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu đến nay vẫn chưa hoàn thành như tiến độ đề ra; việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đầu tư chậm, thủ tục rườm rà dẫn đến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khó tiếp cận chính sách; tỷ lệ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến chưa cao; tình trạng thiếu thuốc BHYT, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh còn kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân; nguồn nhân lực y tế trong hệ thống công lập không đảm bảo về số lượng và chất lượng, năng lực y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Ban HĐND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị qua thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh và ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND tỉnh để hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh thông qua. Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm báo cáo đề ra, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, thực hiện một số vấn đề sau: Tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo lợi thế trong việc thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các đột phá chiến lược về nông nghiệp, du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; khẩn trương hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; chủ động tham gia và phối hợp triển khai các chương trình, dự án liên kết Vùng Đông Nam bộ để đẩy mạnh kết nối, hợp tác phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành; kiểm soát chặt chẽ nguồn lực quỹ đất thông qua đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung thống nhất mang tính tích hợp; đẩy mạnh xã hội hoá công tác đào tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển đào tạo, dạy nghề; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống y tế công lập, đảm bảo cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh; đẩy mạnh xã hội hoá, phát triển hoạt động y tế tư nhân, nhằm đa dạng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đáp ứng nhu cầu của người dân; quan tâm phát triển đồng bộ, tạo sự gắn kết nông nghiệp, văn hoá, thể thao và du lịch, tạo động lực cho phát triển bền vững, triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch với các sản phẩm đa dạng thuộc khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Trung ương cục Miền Nam, Đảo nhím hồ Dầu Tiếng.
Huỳnh Thảo
Ý kiến bạn đọc