Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 130A/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2005 có thời gian thực hiện đến năm 2020. Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đã có nhiều thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian phát triển và các định hướng phát triển.
Để xác định những mục tiêu phát triển mới phù hợp với định hướng chiến lược của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Tây Ninh, sáng ngày 22/3/2024, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
Theo Nghị quyết, phạm vi nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 được giữ nguyên theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 là tổng diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính của hai xã Tân Lập và Tân Bình thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh khoảng 34.890 ha, với phía Bắc và phía Tây giáp biên giới Việt Nam – Campuchia, phía Đông giáp xã Thạnh Bình và xã Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên, phía Nam giáp xã Thạnh Tây và xã Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn là đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh, phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu Việt Nam; tuân thủ các chủ trương, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội, phân bố dân cư và tổ chức lãnh thổ của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch tỉnh Tây Ninh, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới. Phát huy các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của khu kinh tế cửa khẩu quốc tế; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái kết hợp phát triển công nghiệp, đô thị; xúc tiến đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của Khu kinh tế theo quy hoạch. Đảm bảo vững mạnh về an ninh, quốc phòng.
Tổ chức không gian khu kinh tế đảm bảo phát triển toàn diện các hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giao lưu văn hóa, ngoại giao, chính trị, an ninh quốc phòng: Hình thành không gian kinh tế tổng hợp, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, của vùng Đông Nam Bộ thông qua đẩy mạnh các hoạt động thương mại cửa khẩu, du lịch sinh thái, giao lưu văn hóa, ngoại giao, chính trị, an ninh, quốc phòng; định hướng phát triển các tiềm năng, thế mạnh đặc thù của các cửa khẩu trong khu vực (cửa khẩu quốc tế Xa Mát, cửa khẩu quốc tế Tân Nam, cửa khẩu chính Chàng Riệc, …); đẩy mạnh khai thác để phát huy giá trị du lịch sinh thái trong khu vực, tổ chức không gian phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Trung ương Cục Miền Nam trên cơ sở hài hòa với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, ổn định an ninh biên giới; tổ chức không gian kiến trúc, quy hoạch sử dụng đất với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, góp phần bố trí, ổn định dân cư xã biên giới giữa Việt Nam – Campuchia.
Dự báo dân số Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát đến năm 2030 khoảng 21.000 - 26.000 người, đến năm 2045 khoảng 50.000-55.000 người.
Khu vực Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trọng tâm nghiên cứu đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, các cơ quan chức năng Tây Ninh cần lưu ý các vấn đề sau:
Một là, Rà soát, đánh giá quá trình triển khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt tại Quyết định số 130A/QĐ-UBND ngày 23/2/2005; đánh giá mô hình, cấu trúc không gian của quy hoạch chung Khu kinh tế trong thời gian qua; rà soát, phân tích đánh giá theo quan điểm, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung, tính chất, chức năng trên đề xuất quy hoạch khu chức năng.
Hai là, Nghiên cứu bản đồ địa hình Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát được duyệt; dữ liệu đo đạc quản lý địa hình, đất đai, tài nguyên, môi trường; các quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; quy định pháp luật khác có liên quan.
Ba là, Đánh giá, làm rõ vị trí, vai trò, tính chất các cửa khẩu thuộc khu kinh tế, thực trạng phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ, logistic, du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục Miền Nam và vùng phụ cận, công nghiệp, đô thị, các lĩnh vực khác; đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trong đó xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi Khu kinh tế, tại các cửa khẩu Xa Mát, Tân Nam, Chàng Riệc, Tân Phú, huyện Tân Biên, các khu vực phát triển du lịch sinh thái.
Bốn là, Phân tích các mối quan hệ, liên kết vùng giữa Việt Nam - Campuchia thông qua hệ thống cửa khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát. Phân tích các chính sách, quy hoạch liên quan, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Tây Ninh và các dự án phát triển hạ tầng giao thông quốc tế, quốc gia và vùng để xác định các vấn đề cần tuân thủ, các định hướng lớn có ảnh hưởng bảo trùm địa bàn.
Năm là, Phân tích, đánh giá, so sánh lợi thế cạnh tranh giữa Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát với các khu kinh tế cửa khẩu khác trong vùng. Nghiên cứu, đánh giá mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp giữa Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát với hệ thống đô thị của tỉnh và khu vực lân cận.
Sáu là, Xác định mối liên kết với hệ thống giao thông quốc gia, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh; đề xuất các giải pháp kết nối với Quốc lộ 22B, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát. Xem xét phát triển giao thông khai thác du lịch và thúc đẩy giao thương giữa Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát và các vùng trọng điểm phía Nam, đặc biệt là việc vận chuyển nông sản, thực phẩm; tổ chức hệ thống giao thông công cộng, bến, bãi đỗ xe. Nghiên cứu, đề xuất các công trình giao thông đường sắt, đường thủy,... gắn với không gian khu vực chức năng.
Huỳnh Thảo
Ý kiến bạn đọc