Tây Ninh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP Giai đoạn 2024 - 2025

Thứ ba - 28/05/2024 15:23 76 0

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn và là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Chương trình OCOP được triển khai thực hiện năm 2018; đến năm 2023, toàn tỉnh có 92 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó: 71 sản phẩm được xếp hạng 03 sao, 21 sản phẩm được xếp hạng 04 sao; 01 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng 04 sao năm 2020 và đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Tuy nhiên, Chương trình OCOP vẫn chưa tạo ra được sự thu hút tham gia của các chủ thể, cũng như chưa có sự hỗ trợ đúng mức dành cho các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng và các công chức thực hiện Chương trình.

              Để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững; trên cơ sở Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và tình hình thực tế của địa phương, ngày 28/5/2024, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Tây Ninh Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024 - 2025.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Về chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh

Nghị quyết quy định đối tượng hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể bao gồm: các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương có nhu cầu đăng ký mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ một lần kinh phí biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị dùng để bảo quản, trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh, với diện tích tối thiểu 20m2 và có ít nhất 50% số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50.000.000 đồng/điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Về chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tây Ninh

Đối tượng được hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 03 sao và còn thời hạn. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể bao gồm: các đối tượng trên và các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 03 sao và còn thời hạn.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP sau khi có văn bản xác nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc đăng ký nhãn hiệu.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 35.000.000 đồng/nhãn hiệu/sản phẩm cùng loại.

Về chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem

Đối tượng được hỗ trợ là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao và còn thời hạn.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ chi phí thiết kế, in ấn bao bì, tem các sản phẩm OCOP sau khi cung cấp đầy đủ hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn thực hiện công việc thiết kế, in ấn bao bì, in tem.

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ cho sản phẩm đạt OCOP 03 sao, 04 sao, 05 sao tương ứng với 10.000.000 đồng/sản phẩm; 20.000.000 đồng/sản phẩm; 30.000.000 đồng/sản phẩm. Mỗi sản phẩm chỉ được hỗ trợ một lần ở cùng mức độ sao được công nhận, trường hợp được công nhận nâng hạng sao thì được hưởng thêm phần chênh lệch giữa hai mức độ sao.

Về chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên

Đối tượng được hỗ trợ theo quy định nghị quyết là Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện và Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện tham gia hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí cho các thành viên tham gia hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện.

Mức hỗ trợ: Đối với Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện: Chủ tịch Hội đồng là 1.500.000 đồng/lần đánh giá; Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng là 1.000.000 đồng/lần đánh giá. Đối với Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, cấp huyện: Tổ trưởng là 1.000.000 đồng/lần đánh giá; Thành viên là 700.000 đồng/lần đánh giá.

Mãng cầu là đặc sản nổi tiếng của Tây Ninh được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP

Về nguồn kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ được thực hiện từ nguồn kinh phí thường xuyên Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả các chương trình, dự án khác), đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.

Nghị quyết nêu rõ, các nội dung chi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo Điều 87 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng bằng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

            Nghị quyết sau khi được ban hành góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, hình thành nên các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm địa phương, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực gia tăng giá trị, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 hiệu quả và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

                                                                                            Huỳnh Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách truy cập13
  • Hôm nay2,058
  • Tháng hiện tại136,072
  • Tổng lượt truy cập1,262,783
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây