2016 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ cũng là năm nhiều luật mới, quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành. Theo đó, tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp được quy định theo hướng 3 tăng về tổ chức bộ máy, thẩm quyền và nhiệm vụ. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng đã công nhận: UBND là cơ quan chấp hành của HĐND. Với mỗi cơ quan thì hiệu quả hoạt động được quyết định bằng chính con người trong cơ quan đó; với HĐND mang đặc thù là cơ quan dân cử thì hiệu quả hoạt động không chỉ quyết định bằng chính những đại biểu HĐND mà còn có phần đóng góp rất quan trọng của cơ quan Văn phòng HĐND tỉnh. Tuy nhiên, giữa nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan này sau một thời gian hoạt động đến nay đã bộc lộ những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. |
Thứ nhất: Nếu làm một phép so sánh với chính nó thì Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trước đây có 4 phòng; nay thực hiện theo các quy định của Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ còn lại 3 đơn vị (2 phòng nêu trên và Văn phòng Đoàn ĐBQH). Như vậy, chính Văn phòng HĐND đã được tự thu nhỏ mà không có lý do nào đủ để thuyết phục.
Thứ hai: Nhiều Luật hiện nay chuyển quyền quyết định các vấn đề quan trọng với mức độ phức tạp cao của địa phương từ UBND sang HĐND tỉnh như: Luật Đất đai với quyết định danh mục các dự án thu hồi đất; Luật Đầu tư công với thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư dài hạn, trung hạn và hàng năm; Luật Ban hành văn bản QPPL với trách nhiệm của các ban HĐND đã tổ chức thẩm tra sẽ tiếp tục có trách nhiệm giải trình các nội dung trình tại kỳ họp HĐND… Những quy định mới này đặt ra trách nhiệm của HĐND là không được và không thể hoạt động hình thức, quyết theo UBND. Bởi, nếu vấn đề quyết định không đúng và sát thực tế thì chính HĐND là cơ quan phải chịu trách nhiệm và sẽ phải nhận những phản hồi từ cử tri và Nhân dân. Và để thực hiện tốt điều này, Văn phòng với vai trò của “người giữ cửa” cho HĐND tỉnh trở nên vô cùng quan trọng.
Thứ ba: Hết nhiệm kỳ, vì nhiều lý do, đại biểu HĐND sẽ có nhiều người không còn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu nhưng Văn phòng thì còn ở lại xuyên suốt. Chính vì vậy, có thể tự tin nói rằng, để trả lời những câu hỏi liên quan đến hoạt động HĐND như: HĐND đã quyết định những nội dung gì; nội dung nào đó đã giám sát chưa, kết luận như thế nào, kết quả giải quyết đến đâu; vấn đề đó đã bao giờ được cử tri và Nhân dân kiến nghị, phản ánh; những vụ việc khiếu nại, tố cáo nào là bức xúc trên địa bàn… thì anh em Văn phòng luôn là người thống kê, theo dõi, nắm rõ và có câu trả lời đầy đủ, chính xác nhất. Tuy nhiên, với cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định số 48/2016/NĐ-CP lại thể hiện thiếu sự nhìn nhận, đánh giá vai trò của Văn phòng như thực tế nêu trên.
Thứ tư: Nhiệm kỳ 2016 - 2021, một tin vui cho Văn phòng HĐND cấp tỉnh là vị thế của Chánh Văn phòng đã được nâng lên với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên Thường trực HĐND. Tuy nhiên, trong niềm vui cũng có hệ quả, quy định này cũng kéo theo một thực tế là Văn phòng HĐND nhiều địa phương chia tay với các anh, các chị Chánh Văn phòng đã có kinh nghiệm và gắn bó với hoạt động HĐND nhiều năm do không đủ độ tuổi để ứng cử làm đại biểu HĐND. Tiếp sau đó là Nghị định số 48/2016/NĐ-CP với việc nhập chung công chức làm những công việc na ná nhau thành 2 khối: Tổng hợp và Hành chính để mỗi phòng, đặc biệt là phòng Tổng hợp xoay sở và thử thách trong một khối công việc mênh mông nhưng chỉ gói gọn trong phạm vi 1 phòng với 1 trưởng và 1 phó phòng. Như thế, có thể họ sẽ rất trưởng thành hoặc sẽ thất bại cho dù có cố gắng, khả năng thứ 2 là cao hơn.
Thứ năm: Đối với Văn phòng một số địa phương đã “xé rào” Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng việc thành lập đến 7 hoặc 8 phòng (trong khi quy định tối đa là 4 phòng) thì Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 quả đã tạo ra một cơn “địa chấn”. Nói như một số địa phương là đã tìm cách “giải vây” bằng việc giới thiệu công chức Văn phòng đủ điều kiện ứng cử đại biểu HĐND tỉnh và bầu các chức danh HĐND chuyên trách. Tuy nhiên cũng chỉ là một phần, vẫn còn một bộ phận chưa thể bố trí sẽ dẫn đến những tác động về mặt tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức và ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều hành và thực thi nhiệm vụ.
![]() Hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai có đóng góp quan trọng của cơ quan tham mưu, giúp việc - Ảnh: Thu Hương |
Thứ sáu: Sẽ thiệt thòi cho công chức Văn phòng HĐND bởi lẽ các ngả đường phấn đấu, trưởng thành đã trở nên chật hẹp. Theo quy định của nhiều địa phương, việc giới thiệu người để bầu và ứng cử vào chức danh Phó Trưởng ban HĐND phải là Trưởng phòng hoặc tương đương trở lên; Trưởng Ban phải là Phó Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên. Với số lượng Trưởng phòng là 2 người thì con đường phấn đấu của anh em trở nên xa lắc. Đó là chưa kể có những trường hợp vì lý do nào đó, người giữ cương vị Trưởng phòng dừng lại, đảm nhận nhiệm vụ nhiều nhiệm kỳ liên tiếp thì con đường phát triển của các chuyên viên sẽ lãnh hiệu ứng dây chuyền và việc công chức các phòng phấn đấu trở thành lãnh đạo các ban HĐND tỉnh trở thành chuyện “con nít đòi trăng”. Và điệp khúc sẽ lặp lại: Người đã gắn bó, hiểu rõ hoạt động HĐND không thể phát triển; người không rành lại bị “bắt qua HĐND” gây nên tâm tư cho nhiều người.
Thứ bảy: Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nhìn sang Văn phòng UBND tỉnh, cơ quan cũng thực hiện chủ yếu 3 từ: Giúp, phục vụ và tham mưu cho cơ quan chấp hành của HĐND nhưng cơ cấu tổ chức thực tế có từ 8 - 10 phòng; mỗi phòng có 1 Trưởng và 2 Phó Trưởng phòng, thậm chí là 5 Phó Trưởng phòng. Nhìn sang các sở, ngành là cơ quan tương đương cũng thấy Văn phòng HĐND quả là “chưa thấy giống ai”, qua đó mới thấy rằng người công tác tại Văn phòng HĐND không thể không so sánh và chạnh lòng.
Qua những phân tích nêu trên đã đặt ra vấn đề: Nếu vẫn giữ nguyên Nghị định số 48/2016/NĐ-CP thì chúng ta có đủ tự tin để nói rằng sẽ không có “xé rào” như trước đó với Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12, mặc dù hiện nay chúng ta đang thực hiện rất ráo riết việc cải cách hành chính và cải cách bộ máy hành chính?
Văn phòng HĐND tỉnh nên có cơ cấu tổ chức như thế nào? Theo tôi để hài hòa giữa thực tế và các quy định hiện hành và thể hiện sự nối tiếp cơ cấu tổ chức trước đây thì trước mắt, Văn phòng nên thành lập 3 phòng: Tổng hợp Pháp chế; Kinh tế Xã hội và Tổ chức Hành chính Quản trị. Mỗi phòng cần có 1 Trưởng phòng và không quá 2 Phó Trưởng phòng. Như vậy, sẽ giúp khắc phục phần lớn những vướng mắc nêu trên. Trong thời gian tới, tùy tình hình, điều kiện và khả năng sẽ có sự xem xét, tính toán sắp xếp, bố trí tiếp theo.
Ý kiến bạn đọc