Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trả lời ý kiến cử tri

Thứ hai - 29/07/2013 23:20 764 0

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh trả lời ý kiến cử tri

Tại kỳ họp lần thứ 8 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có Văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Ban Biên tập trích đăng nội dung trả lời để thông tin đến cử tri:


1. Người trồng mía bức xúc đối với cách làm việc nhà máy đường Bourbon: không nhất quán trong việc đánh chữ đường; hỗ trợ vốn vay cho nông dân, nhưng hình thức hỗ trợ là: 50% tiền mặt, 50% phân bón, nhưng giá phân cao so thị trường, vận chuyển xa; nhà máy dùng hình thức phạt tiền khi nông dân để mía cháy. Kiến nghị ngành chức năng tỉnh đề nghị nhà máy bỏ tiền phạt mía cháy do quy định thời hạn trước 96 giờ (vì khi mía cháy là người nông dân đã bị thiệt hại) đồng thời trả lại tiền phạt cho nông dân vụ vừa rồi.


- Để đảm bảo lợi ích cho người trồng mía, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc và được các nhà máy đường thống nhất thực hiện chính sách bao chữ đường ngay từ đầu vụ đối với các giống Roc 16, VN 84-4137 thấp nhất là 09 CCS; các giống còn lại thấp nhất 08 CCS. Theo Biên bản giám sát mẫu lưu đối chứng của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ: Nhà máy Đường Biên Hòa - Tây Ninh, chữ đường bình quân thực tế là 8,4 CCS, chữ đường nhà máy chi trả bình quân là 9,7 CCS, tức là chi trả cao hơn chữ đường bình quân thực tế là 1,3 CCS; Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh, chữ đường bình quân thực tế là 8,08 CCS, chữ đường nhà máy chi trả bình quân là 8,84 CCS, tức chi trả cao hơn chữ đường bình quân thực tế là 0,76 CCS/tấn mía.


- Việc hỗ trợ vốn vay cho nông dân với hình thức hỗ trợ là: 50% tiền mặt, 50% phân bón, nhưng giá phân cao so với thị trường, vận chuyển xa… của nhà máy đường Bourbon là chưa đúng quy định.


- Vấn đề phạt tiền mía cháy: Hàng năm vấn đề mía cháy xảy ra với diện tích khá lớn (diện tích mía cháy của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh niên vụ 2011 - 2012 là 5.096 ha) đã làm ảnh hưởng đến lịch thu hoạch mía, giảm thu nhập của người trồng mía, gây khó khăn cho các nhà máy đường. Do đó, niên vụ 2012 - 2013, Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh chủ trương phạt mía cháy do quy định thời hạn trước 96 giờ, nhằm hạn chế, giảm bớt tình trạng diện tích mía cháy quá nhiều. Thực tế khi có chủ trương nêu trên thì diện tích mía cháy của niên vụ 2012 - 2013 giảm hẳn so với niên vụ 2011 - 2012 (diện tích mía cháy của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh trong niên vụ 2012 - 2013 là 2.830 ha). Theo báo cáo của Công ty vào cuối vụ thanh toán mía, Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh đều không trừ số tiền phạt mía cháy nêu trên.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, làm việc với Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh về các vấn đề nêu trên.


2. Đề nghị sớm xây dựng kênh nổi tại ấp Tân Long, xã Biên Giới vì được khảo sát đã lâu nhưng đến nay chưa tiến hành xây dựng.
Kênh nổi tại ấp Tân Long, xã Biên Giới là dự án Trạm bơm Tân Long (Trạm bơm Cù Ba Chàm). Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 với tổng mức đầu tư 123 tỷ đồng phục vụ tưới 731,85 ha đất nông nghiệp. Từ năm 2014, sẽ được bố trí vốn để triển khai thực hiện.


3. Đề nghị quan tâm sửa chữa hệ thống kênh tiêu T4 hạ (ấp Trảng Xa, xã Đôn Thuận) nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất của nhân dân
Kênh tiêu qua ấp Trảng Xa, xã Đôn Thuận là kênh tiêu T4 thượng không phải kênh tiêu T4 hạ như cử tri đã nêu, Trảng Xa là địa danh, tên ấp là Trảng Cỏ, xã Đôn Thuận. Kênh tiêu T4 thượng dài khoảng 2,45 km qua cống tiêu luồn tại K25 kênh Đông chảy ra cầu Cá Chúc ra sông Sài Gòn
Trong tháng 7/2013, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Tây Ninh sẽ cho khảo sát đo đạc cụ thể: Trường hợp khối lượng bồi lắng ít sẽ thực hiện nạo vét trong tháng 8/2013. Nếu trường hợp khối lượng bồi lắng lớn, Công ty sẽ tạm thời phát cỏ, vớt rong làm thông thoáng dòng chảy và đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2014.


4. Đề nghị gắn rào chắn đầu kênh N8 ấp Thuận Tân, xã Truông Mít ngang đường 784, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải kiểm tra và có giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn giao thông tại vị trí kênh N8 cắt qua đường ĐT.784.


5. Cử tri phản ánh công tác phòng dịch cúm ít chưa được ngành chức năng chủ động quan tâm, đến khi có dịch mới phòng ngừa, nên hiệu quả không cao, chi phí lớn, ngành chức năng cần xem lại.
Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm là một trong những công việc trọng tâm của Tỉnh với phương châm phòng bệnh là chính. UBND tỉnh đã có các Công văn chỉ đạo các ngành liên quan về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh cúm gia cầm và chủ động triển khai thực hiện kế hoạch trên cơ sở kinh phí được UBND tỉnh giao, trong đó các biện pháp phòng bệnh chính như sau:


- Thực hiện giám sát dịch bệnh đến hộ chăn nuôi nhằm nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan (Bệnh cúm phát hiện tại 06 hộ ở 04 xã: Bình Minh – Thị xã Tây Ninh, Tiên Thuận, Lợi Thuận, Long Giang, tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 4.900 con). Thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động trên các chợ có buôn bán gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm để phát hiện vi rút, làm cơ sở thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện, xã và khuyến cáo cho người dân chủ động phòng chống.


- Thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là các đối tượng có nhiều nguy cơ lây lan dịch. Kiểm tra chặt chẽ về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với việc nuôi mới, lưu thông, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm.


- Triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh (gà: 274.322 con; vịt: 375.147 con; ngan: 5.806 con) và dự phòng vắc xin (hiện nay đang dự trữ 192.000 liều) để tiêm phòng bao vây khi có ổ dịch cúm xảy ra.


- Khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, kinh doanh gia cầm thường xuyên thực hiện công tác tiêu độc sát trùng (Tổng diện tích tiêu độc sát trùng: 1.509.661 m2, bao gồm: 12.721 hộ chăn nuôi gia đình, 24 cơ sở giết mổ, 60 chợ, 65 điểm công cộng); đồng thời triển khai các đợt tổng tiêu độc sát trùng trên địa bàn tỉnh vào các thời điểm có nguy cơ cao.


- Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tuyên truyền thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi thông qua Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, các buổi tập huấn...


- Quản lý chặt chẽ các lò ấp nở và việc cấp sổ quản lý vịt chạy đồng theo đúng quy định theo Quyết định số 1405/QĐ-TTg ngày 16/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 92/2007/TT-BNN ngày 19/11/2007 và số 60/2008/TT-BNN ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm. 


Trong 6 tháng đầu năm năm 2013, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y hàng tháng lấy mẫu tại 06 chợ và cơ sở giết mổ của 06 huyện, thị xã (Tân Biên, Thị Xã, Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Hòa Thành); số mẫu giám sát trong 6 tháng năm 2013 là 270 mẫu trong đó có 5 mẫu dương tính với vi rút cúm A H5N1, triển khai 2 đợt tổng tiêu độc sát trùng trên địa bàn tỉnh vào các thời điểm có nguy cơ cao, nhằm làm giảm số lượng mầm bệnh trong môi trường, cắt đứt chuỗi lây nhiễm dịch bệnh.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm của gia cầm nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.


6. Cử tri phản ánh Trạm nước sạch ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, Tân Biên (hiện do tỉnh quản lý) cấp nước ban ngày, ban đêm thì không, kiến nghị ngành chức năng cần khắc phục
Công trình cấp nước tập trung ấp Thạnh Trung, Thạnh Tây, Tân Biên được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2009, cấp nước cho 173 hộ, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Qua phản ánh của cử tri UBND tỉnh sẽ chỉ đạo ngành tiến hành điều tiết nước để có thể tăng thời gian bơm nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân.


7. Trạm cấp nước sạch tại ấp Thạnh An, xã Tân Hiệp mặc dù bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 01 năm qua và đã có hơn 40 hộ dân đăng ký sử dụng nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa vận hành công trình. Kiến nghị sớm đưa Trạm cấp nước vào vận hành.
Xã Tân Hiệp huyện Tân Châu có 03 ấp: Thạnh Phú, Thạnh An, Hội Thắng, tuy nhiên trạm cấp nước tập trung được xây dựng tại ấp Thạnh Phú không phải ấp Thạnh An như cử tri đã nêu. Trước đây do khu vực này nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nên UBND huyện Tân Châu quyết định đầu tư xây dựng trạm cấp nước để phục vụ người dân, hiện nay trạm cấp nước tập trung này đã khôi phục hoạt động và đã có khoảng 40 hộ dân đăng ký sử dụng, nhưng do sự thỏa thuận giữa Công ty Việt Mã (đơn vị sản xuất bột mì gây ô nhiễm) với UBND xã Tân Hiệp và hộ dân về kinh phí hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước và kinh phí sử dụng 1m3 /ngày chưa được thống nhất, nên đến nay 40 hộ dân chưa tiếp cận được nguồn nước do trạm cung cấp.  UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc trực tiếp với UBND xã khẩn trương thống nhất với Công ty Việt Mã về mức hỗ trợ để người dân nhanh chóng được sử dụng nguồn nước sạch do trạm cung cấp.


8. Đề nghị các ngành chức năng xem xét đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân ấp Bình Nguyên, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng.
Năm 2012 khi khảo sát để thực hiện quy hoạch cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tây Ninh đến năm 2020, thì khu vực này đa số các hộ dân sử dụng nguồn nước giếng khoan, nguồn nước tương đối tốt, nên không đưa vào quy hoạch, do đó không đủ cơ sở để đầu tư xây dựng trạm cấp nước. Hiện Quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê     duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 28/02/2013. Qua phản ánh của cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm tiến hành khảo sát, nếu khu vực này thật sự có khó khăn về nguồn nước, sẽ xem xét bổ sung quy hoạch để có cơ sở đầu tư xây dựng trạm cấp nước.


9. Xem xét, xây dựng trạm nước sạch tại điểm Trường học ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu để nhân dân được sử dụng nước sạch

Tại xã Phước Ninh, Dương Minh Châu, hiện có 01 công trình cấp nước tập trung ấp Phước Tân, xã Phước Ninh xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2006, theo thiết kế công trình cấp nước sạch cho 275 hộ. Đến tháng 6 năm 2013, hiện có 188 hộ sử dụng, công trình hoạt động chưa hết công suất. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét mở rộng hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước đến khu vực yêu cầu.


                                Kim Chi
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách truy cập25
  • Hôm nay743
  • Tháng hiện tại42,791
  • Tổng lượt truy cập900,146
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây