Ủy ban Tư pháp trả lời cử tri Tây Ninh: về Luật phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật hình sự và Luật Thi hành án dân sự

Thứ sáu - 19/07/2013 16:50 28 0

Ủy ban Tư pháp trả lời cử tri Tây Ninh: về Luật phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật hình sự và Luật Thi hành án dân sự

1. Kiến nghị cử tri các tỉnh Hải Dương, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Trị, Hà Nam, Bắc Ninh, Cần Thơ, Bình Định, Hà Nội, Đồng Nai, Bạc Liêu,  Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM, Cà Mau, Bình Thuận, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Bình Thuận, Nghệ An, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa kiến nghị: Đề nghị Quốc hội khi sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng cần quy định:

+ Cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập với cơ quan hành pháp, tư pháp; củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng;
+ Có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng;
+ Sửa đổi hình phạt theo hướng tăng nặng để xử lý nghiêm khắc người tham nhũng; xử lý vi phạm phải có tác dụng răn đe, cũng như thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng gây nên; đề nghị đối với những cá nhân tham nhũng từ 1 tỷ đồng trở lên nên xử lý bằng hình thức tử hình và dưới 1 tỷ đồng thì tùy theo mức độ mà có hình phạt tương ứng và xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng;
+ Có biện pháp tăng cường giám sát việc thực hiện luật, nhất là đối với các cơ quan, tổ chức dễ phát sinh tham nhũng;
+ Quy định hành vi cấu thành tội phạm và khung hình phạt một số hành vi nguy hiểm được Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng yêu cầu hình sự hoá;
+ Tổ chức thực hiện kê khai thu nhập và tài sản đối với chức danh dân cử, bổ nhiệm để nhân dân giám sát, theo dõi, đảm bảo tính nghiêm minh trong công tác cán bộ;
+ Xem xét, quy định cụ thể mức độ tham nhũng bằng tiền là bao nhiêu của từng chức vụ, từng cấp, từng ngành sẽ bị xử lý để công tác đấu tranh chống hành vi tham nhũng được hiệu quả hơn.
+ Quy định cụ thể mức xử lý từng tội danh “hối lộ”, “nhận hối lộ”; về trường hợp người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác;
+ Đề nghị có chính sách cụ thể về việc Ban phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh độc lập với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về tiền lương, đội ngũ cán bộ và chế độ bổ nhiệm theo ngành dọc, xây dựng lực lượng chuyên môn chống tham ô, tham nhũng, không nên để cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh trực thuộc quản lý của tỉnh, thành phố về mặt nhân sự như hiện nay mà chỉ phụ thuộc địa phương về sinh hoạt Đảng và do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm trưởng ban, không quy định Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng như hiện nay.


Trả lời:
Tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Quốc hội đã giao cho Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới như về kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức; cơ chế kiểm soát, minh bạch thu, chi ngân sách Nhà nước, đầu tư công; quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng;… Trước mắt Ủy ban tư pháp yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn để bảo đảm việc thực thi Luật phòng, chống tham nhũng vừa sửa đổi đi vào cuộc sống.
Từ năm 2009 Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 01/10/2003). Về cơ bản BLHS Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của Công ước trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. BLHS đã giành hẳn một phần quy định về tội phạm tham nhũng như: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi... Tuy nhiên, so với Công ước thì một số hành vi tham nhũng trong BLHS còn có một số điểm chưa tương thích, cần được sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Ủy ban Tư pháp đang nghiên cứu vấn đề này để thẩm tra, chỉnh lý BLHS (sửa đổi) trong thời gian tới.


2. Kiến nghị cử tri các tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Điện Biên, Kiên Giang, Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Thái Bình, Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị: Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng:
+ Tăng nặng khung hình phạt đối với những trường hợp chưa thành niên phạm tội, nhất là đối với chưa thành niên phạm tội giết người với tính chất dã man, giết nhiều người nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội; trường hợp chống người thi hành công vụ, chém trả thù người bắt cướp, đánh người, gây rối trật tự công cộng;
+ Xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự theo hướng cho áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời tăng cường các biện pháp giáo dục, răn đe, phòng ngừa;
+ Đề nghị sửa đổi các quy định khoảng cách mức hình phạt trong một số khung hình phạt và khung xử phạt vi phạm hành chính (như đối với đối tượng phạm tội mua bán và tàng trữ ma túy) ngắn hơn so với khung hình phạt hiện nay, giảm án tha tù tràn lan, bổ sung các loại tội mới, các nội dung liên quan đến tội phạm, tuổi phạm tội của vị thành niên, xét xử quá nhẹ nhất là tội tham nhũng,... tránh trường hợp tội phạm lợi dụng khe hở trong pháp luật;
+ Hạ tỷ lệ thương tật xuống thấp hơn, chỉ cần 8% vì hành vi gây thương tích cho người khác thường là cố ý, do phần tử xấu gây nên, do đó cần xử lý hình sự để răn đe;
+ Quy định biện pháp chế tài xử lý hình sự thật nặng những đối tượng sử dụng ma túy, không nên xử lý hành chính như hiện nay, nhằm giáo dục, răn đe cho toàn xã hội;
+ Quy định cụ thể về số lượng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ làm căn cứ định lượng và nhất là quy định loại đạn, sức công phá của các loại súng tự chế để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Đối với các trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa;
+ Có chế tài xử lý hình sự các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm;
+ Đề nghị loại bỏ mức hình phạt “án tử hình” xuống mức cao nhất là “chung thân” ở một số tội danh còn chịu hình phạt ở mức án tử hình; bởi vì Nhà nước Việt Nam luôn xem tính mạng của con người là cao cả;
+ Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị quy định xử phạt cả với cha mẹ của các đối tượng chưa thành niên phạm tội để nâng cao trách nhiệm nuôi dạy và quản lý con em.


Trả lời:
Về kiến nghị tăng nặng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, nhất là phạm tội giết người với tính chất dã man, giết nhiều người nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội; trường hợp chống người thi hành công vụ, chém, trả thù người bắt cướp; trường hợp đánh người, gây rối trật tự công cộng; kiến nghị áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; tăng cường các biện pháp giáo dục, răn đe, phòng ngừa; quy định xử phạt đối với với cha, mẹ các đối tượng chưa thành niên phạm tội để nâng cao trách nhiệm nuôi dạy và quản lý con, em:


Ủy ban Tư pháp nhận thấy, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội là nhân đạo, chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ luật hình sự (BLHS) quy định không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình, hình phạt tiền, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng, xảy ra nhiều vụ giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành tổng kết, soạn thảo BLHS (sửa đổi) để sớm trình Quốc hội cho ý kiến. Những vấn đề cử tri kiến nghị Ủy ban Tư pháp cũng đang nghiên cứu và sẽ xem xét trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý BLHS (sửa đổi), bảo đảm chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được sửa đổi phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi, các Điều ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện trong tình hình hiện nay.


Trước mắt, thông qua giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013, trong đó cần xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các đối tượng chưa thành niên phạm tội, nhất là trong các trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; kiến nghị, yêu cầu các cơ quan tư pháp khẩn trương ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật để xử lý nghiêm các trường hợp người chưa thành niên phạm tội.


Về kiến nghị sửa đổi Điều 257 theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các đối tượng chống người thi hành công vụ:
BLHS đã có nhiều quy định để xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ: Điều 257 (tội chống người thi hành công vụ) có mức hình phạt cao nhất đến 07 năm tù; Điều 104 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 207 (tội đua xe trái phép) và Điều 245 (tội gây rối trật tự công cộng) đều coi hành vi chống người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng với mức hình phạt cao nhất đến 07 năm tù. Trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn bị xử lý về tội cố ý gây thương tích ở khoản 4 Điều 104 với hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; nếu giết người thi hành công vụ thì người phạm tội còn bị xử lý về tội giết người với hình phạt cao nhất là tử hình (khoản 1 Điều 93).


Tuy nhiên, gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra nhiều, có những vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây bất bình trong dư luận. Trước thực trạng này, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị cụ thể với các các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm khắc các vụ án chống người thi hành công vụ và đề xuất các giải pháp phòng ngừa. Thực tế vừa qua đã có một số đối tượng bị kết án tử hình về hành vi giết người thi hành công vụ.


Thời gian tới, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án BLHS (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý kiến nghị này của cử tri, đề nghị Quốc hội sửa đổi các quy định nhằm xử lý hình sự thật nghiêm khắc các hành vi chống người thi hành công vụ.


Về kiến nghị quy định biện pháp chế tài hình sự thật nặng đối với những đối tượng sử dụng ma túy, không nên xử lý hành chính như hiện nay nhằm giáo dục, răn đe cho toàn xã hội:


Nghiện ma túy đang là một trong những vấn đề xã hội gây bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, theo quy định của Luật phòng, chống ma túy thì đối tượng nghiện ma túy được coi là người mắc bệnh, phải được áp dụng chế độ cai nghiện và không đặt vấn đề xử lý hình sự đối với các đối tượng này. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS cũng đã bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy. Để khắc phục tình trạng nghiện ma túy trong xã hội hiện nay cần kết hợp các biện pháp cai nghiện bắt buộc, giáo dục thuyết phục, phạt hành chính và áp dụng đồng bộ,  hiệu quả các biện pháp xã hội khác như giáo dục tại cộng đồng, gia đình, nhà trường, tạo công ăn việc làm… Ủy ban tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan có biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ các đối tượng này, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy. 


Về kiến nghị xem xét hạ tỷ lệ thương tật xuống thấp hơn (chỉ cần 8%) vì hành vi gây thương tích cho người khác thường là cố ý, do phần tử xấu gây nên, do đó cần xử lý hình sự để răn đe; hạ mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với tội trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đ xuống 1.000.000đ  hoặc 500.000đ:


Theo quy định của BLHS thì vấn đề định lượng về tài sản, tỷ lệ thương tật là yếu tố bắt buộc trong cấu thành cơ bản của một số tội và cũng là yếu tố định khung hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Tại lần sửa đổi BLHS năm 2009,  mức định lượng tối thiểu về giá trị tài sản bị chiếm đoạt đã nâng từ 500.000đ lên 2.000.000đ, do mức định lượng cũ là quá thấp, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như chưa phản ánh được yêu cầu thực tiễn đấu tranh chống tội phạm. Tuy nhiên, BLHS cũng quy định những trường hợp phạm tội dưới mức định lượng tối thiểu nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ví dụ: người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị dưới 2.000.000đ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm (đối với Điều 138 về Tội trộm cắp tài sản), hoặc phạm tội nhiều lần đối với cùng một người, phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau (đối với Điều 104 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác).


Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và đúng pháp luật các hành vi trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích. Thời gian tới, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án BLHS (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất những quy định hợp lý về mặt định lượng trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi trên.


Về kiến nghị tăng hình phạt đối với các quy định về tội gây rối trật tự công cộng để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm: Điều 245 của BLHS đã quy định các hình phạt tương đối nghiêm khắc đối với người thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án BLHS (sửa đổi) Ủy ban tư pháp sẽ nghiên cứu, xem xét cụ thể về các tình tiết tăng nặng hình phạt đối với tội danh này để răn đe, phòng ngừa chung.


Về kiến nghị bổ sung chế tài xử lý hình sự đối với các trường hợp làm hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề hiện đang được dư luận và cử tri quan tâm. BLHS đã có nhiều quy định cụ thể với các hình phạt nghiêm khắc để xử lý các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 156), Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 244) có mức hình phạt tù cao nhất là 15 năm, Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157) có mức hình phạt cao nhất lả tử hình. Trong quá trình giám sát, Ủy ban Tư pháp sẽ lưu ý các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh và đúng pháp luật các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; đồng thời rà soát lại các quy định hiện hành để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp.


Về kiến nghị loại bỏ hình phạt “tử hình” và quy định mức hình phạt cao nhất là “chung thân” ở một số tội : Kiến nghị nêu trên của cử tri là một vấn đề lớn, cần được tập trung xem xét, nghiên cứu để việc quy định hình phạt tử hình vừa bảo đảm tính nhân đạo, vừa bảo đảm tính răn đe, đấu tranh có hiệu quả với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hiện nay. Trong những năm gần đây, thể hiện bản chất nhân đạo và phù hợp với xu hướng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thì chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta đang thay đổi theo hướng hạn chế hình phạt tử hình, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định. Qua các lần sửa đổi, bổ sung BLHS thì số điều luật quy định án tử hình đều được thu hẹp (năm 1999 từ 44 điều luật giảm xuống còn 29 điều, năm 2009 giảm chỉ còn 22 điều ). Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý dự án BLHS (sửa đổi), Ủy ban tư pháp sẽ đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này.


Về kiến nghị sửa đổi Điều 233 của BLHS  theo hướng quy định cụ thể về số lượng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, nhất là các loại đạn, các loại súng tự chế có sức công phá lớn để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ. Đối với các trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự cần tăng nặng chế tài xử lý vi phạm hành chính để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa: Các cơ quan tư pháp trung ương đang khẩn trương soạn thảo văn bản liên tịch để quy định cụ thể về số lượng vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ theo quy định của Điều 233 của BLHS. Ngày 30/6/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua cũng đã tăng mức xử lý hành chính đối với các hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ủy ban tư pháp sẽ đôn đốc các cơ quan tư pháp trung ương và các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, đồng thời khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn Điều 233 của BLHS và văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh nêu trên để thuận lợi trong việc áp dụng, xử lý nghiêm các hành vi trên.


Về kiến nghị rút ngắn khoảng cách giữa các mức hình phạt trong khung hình phạt; bổ sung các loại tội phạm mới; xem xét độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của vị thành niên, khắc phục tình trạng giảm án tha tù tràn lan, xử quá nhẹ đối với tội về tham nhũng: Các ý kiến, kiến nghị nêu trên của cử tri là rất xác đáng. Tiếp thu các kiến nghị này, trong quá trình giám sát các hoạt động tư pháp, cũng như trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý BLHS (sửa đổi), Ủy ban tư pháp sẽ lưu ý đến những vấn đề này và có kiến nghị cụ thể sửa đổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

 
3. Kiến nghị cử tri  tỉnh Tây Ninh và Đà Nẵng: Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự theo hướng:
+ Khởi tố các đối tượng cố tình trì hoãn, tẩu tán tài sản phải thi hành án để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án;
+ Xem xét lại quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự: đơn yêu cầu thi hành án phải có “Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” vì quy định này rất khó thực hiện trên thực tế, bởi bản thân người được thi hành án trong nhiều trường hợp không thể cung cấp thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành được.
 

Trả lời:
Qua hoạt động giám sát của Ủy ban tư pháp và các cơ quan của Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội cũng cho thấy, còn nhiều tồn tại, bất cập trong công tác này. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát việc Chính phủ, các bộ, ngành chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; một số nội dung hướng dẫn không phù hợp hoặc thiếu tính khả thi, không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ quan thi hành án dân sự; đồng thời cũng có một số quy định của Luật thi hành án dan sự không phù hợp với thực tiễn.


Tiếp thu ý kiến cử tri, Ủy ban tư pháp đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật THADS; rà soát để sửa đổi, bổ sung những nội dung không phù hợp với quy định của Luật THADS; chỉ đạo các Bộ, ngành theo thẩm quyền của mình hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn công tác THADS. Đối với các nội dung trong Luật chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính khả thi, Ủy ban tư pháp đang tổng hợp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật và các quy định của Luật thi hành án dân sự.
 

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Hôm nay1,518
  • Tháng hiện tại49,372
  • Tổng lượt truy cập1,930,903
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây