Bộ Lao động Thương binh và xã hội trả lời cử tri Tây Ninh về chế độ chính sách, an sinh xã hội

Thứ sáu - 19/07/2013 21:05 28 0

Bộ Lao động Thương binh và xã hội trả lời cử tri Tây Ninh về chế độ chính sách, an sinh xã hội

1. Cử tri, Tây Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét tăng mức lương hưu và chế độ BHXH cho các đối tượng về hưu trước năm 1990.


Trả lời:  (Tại công văn số 1019/LĐTBXH-VP  ngày 29 tháng 3 năm 2013)
Theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội: “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế", như vậy việc điều chỉnh lương hưu phụ thuộc vào mức lương hưu hiện hưởng và dựa trên mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế từng thời kỳ. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã thực hiện 6 lần điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, theo đó lương hưu của người nghỉ hưu đã được điều chỉnh tăng thêm 134% so với mức lương hưu của tháng 12/2007 góp phần cải thiện đời sống của người nghỉ hưu.
Hiện nay, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang được giao xây dựng Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn đến 2020 trong đó có nội dung về việc tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (Đề án trên nằm trong Đề án Cải cách chính sách tiền lương, BHXH và trợ cấp ưu đãi người có công đến 2020).


2. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Về chính sách đối với quân nhân xuất ngũ trước ngày 30/4/1975, hiện nay có nhiều bất cập. Đối với những người tiếp tục tham gia công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước thì được tính BHXH liên tục từ khi nhập ngũ; đối với những người tham gia công tác tại một số đơn vụ sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp thì không được tính tham gia BHXH liên tục. Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét tính thời gian tham gia quân đội của các đối tượng này vào thời gian tham gia đóng BHXH.


Trả lời:  (Tại công văn số 1019/LĐTBXH-VP  ngày 29 tháng 3 năm 2013)
Theo quy định tại Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ và quy định tại khoản 2 mục II Thông tư liên Bộ số 448/TT-LB ngày 28/3/1994 của liên Bộ Quốc phòng - Lao động -Thương binh và Xã hội - Tài chính, thì đối với quân nhân phục viên, xuất ngũ sau đó tiếp tục làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp nhà nước và quân nhân phục viên, xuất ngũ từ ngày 15/12/1993 trở đi, chuyển sang các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cả 5 chế độ và bản thân quân nhân khi xuất ngũ tự nguyện không hưởng trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp học nghề thì thời gian tham gia quân đội đã được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cũng đã có ý kiến với Bộ Quốc phòng trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân về nội dung kiến nghị nêu trên của cử tri.


3. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị nâng chế độ trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam.


Trả lời:  (Tại công văn số 828 /LĐTBXH-VP ngày 15 tháng 3 năm 2013)
Tại Điều 3, Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với các mạng đã quy định: “Các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của họ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ”.
Chế độ trợ cấp hàng tháng của đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng cũng như chế độ ưu đãi người có công với cách mạng nói chung được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời chế độ trợ cấp của người bị nhiễm chất độc da cam cũng phải tính toán, cân đối trong mặt bằng chung về mức độ đóng góp, sự hy sinh của tất cả các đối tượng người có công với cách mạng khác.


4. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, có chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững.


Trả lời:  (Tại công văn số 849/LĐTBXH-VP  ngày 19 tháng 3 năm 2013)
Theo chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, do tình hình lạm phát những năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, dẫn đến giá trị thực tế của chuẩn nghèo không bảo đảm, một bộ phận được coi là thoát nghèo nhưng đời sống còn hết sức khó khăn, vì vậy năm 2013, Bộ đã có kế hoạch xây dựng chuẩn nghèo phù hợp hơn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, một số chính sách mới sẽ được bổ sung, cụ thể:
 + Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, lãi suất bằng 130% so với lãi suất cho vay hộ nghèo;
+ Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế bằng 70% mệnh giá; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo;
+ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, chính sách hỗ trợ sản xuất.


5. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh mức trợ cấp đối với các đối tượng người hoạt động kháng chiến và người được lưu dụng sau giải phóng chưa đủ thời gian nghỉ hưu trí.


Trả lời: (Tại công văn số 828/LĐTBXH-VP  ngày 15 tháng 3 năm 2013)
- Hiện nay, đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế là đối tượng có số lượng nhiều nhất trong các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Chính vì vậy, việc điều chỉnh trợ cấp đối với đối tượng này phải được đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác trong Pháp lệnh cũng như phải được đặt trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
- Chế độ ưu đãi đối với người được tặng Huân, Huy chương kháng chiến không liên quan tới chế độ bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ hưu trí nói riêng.
Những trường hợp được lưu dụng sau giải phóng chưa đủ thời gian nghỉ hưu trí nếu được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng thì cũng được xem xét xác nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.


6. Cử tri Tây Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương trong năm 2013 để đảm bảo đời sống cho người lao động và các đối tượng hưởng trợ cấp, bảo trợ.


Trả lời:  (Tại công văn số 1019/LĐTBXH-VP  ngày 29 tháng 3 năm 2013)
Thực hiện quy định tại Điều 56 của Bộ luật Lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng dần mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp để bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trình Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/5/2013, trong đó tại Điều 91 có quy định mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ và hiện nay Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã xây dựng các văn bản trình Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.
Căn cứ vào quy định nêu trên, hàng năm việc xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phải bảo đảm nguyên tắc đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhưng đồng thời phải cân nhắc, tính toán tới tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng chi trả của doanh nghiệp để có phương án điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.


Theo đó, nếu năm 2013 thực hiện phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo đúng lộ trình thì mức điều chỉnh theo từng vùng phải tăng từ 500.000 đồng – 700.000 đồng. Tuy nhiên, năm 2013 trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo vẫn còn khó khăn trong năm 2013; căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng tiền công trên thị trường lao động, sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012 quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp với mức điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng – 350.000 đồng, tùy theo từng vùng (thấp hơn phương án điều chỉnh theo lộ trình đã trình Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tăng từ 500.000 đồng – 700.000 đồng). Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nêu trên không làm ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm được tiền lương thực tế cho người lao động do bị ảnh hưởng trượt giá sinh hoạt năm 2012 và dự kiến năm 2013.


7. Cử tri, Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quy định, hướng dẫn cho địa phương có giải pháp xử lý đối với việc tìm hài cốt liệt sĩ qua nhà ngoại cảm tránh gây mất an trật tự địa phương và bài trừ nạn mê tín dị đoan.


Trả lời: (Tại công văn số 828/LĐTBXH-VP  ngày 15 tháng 3 năm 2013)
Trước tình hình nhiều địa phương đã xuất hiện các cơ sở tự phát hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ, thậm chí nhiều cơ sở có biểu hiện trục lợi, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông báo số 2389/TB-LĐTBXH ngày 21 tháng 7 năm 2011 về việc tăng cường công tác quản lý mộ đối với các trường hợp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm.
Đáp ứng nhu cầu bức xúc của gia đình liệt sĩ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Đề án xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp khoa học (giám định gen). Ngày 14 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành triển khai thực hiện các nội dung trong Đề án.
 

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay1,546
  • Tháng hiện tại46,916
  • Tổng lượt truy cập1,994,527
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây