Cử tri Tây Ninh kiến nghị: “Đề nghị nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự (như xăm mình để trốn nghĩa vụ ....). Hiện nay những hành vi này chỉ chịu mức xử phạt thấp, không có tính răn đe”;
Trả lời: (tại Công văn số 505/BQP-VP ngày 16/01/2013)
Hiện nay, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện trong điều kiện có nhiều thuận lợi, đó là: Tình hình an ninh - chính trị ổn định, kinh tế - xã hội đang phát triển; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; chính sách hậu phương Quân đội được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước quan tâm. Vì vậy, cơ bản thanh niên nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ, sẵn sàng nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ, chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, ngại khó khăn, gian khổ... đã tìm mọi cách để không phải nhập ngũ, trốn tránh nghĩa vụ quân sự (xăm mình, uống thuốc tăng huyết áp... trước khi vào khám sức khỏe); cá biệt, có trường hợp sau khi nhập ngũ đã đào, bỏ ngũ.
Ngày 19 tháng 11 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 167/2010/TT-BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm; trong đó, có quy định như sau: “Những công dân xăm da (bằng kim) có hình mang tính kỳ dị, kỳ quái, kích động bạo lực gây phản cảm ở những vị trí lộ diện như mặt, cổ tay (từ 1/3 dưới cánh tay trở xuống), chân (1/3 từ dưới đùi trở xuống), không gọi nhập ngũ vào Quân đội". Như vậy, những công dân xăm da không thuộc các quy định trên, nếu có đủ các điều kiện theo quy định vẫn có thể xem xét, gọi nhập ngũ.
Để xử lý những trường hợp trốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2003/NĐ-CP ngày 09/12/2003 quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng. Từ Điều 6 đến Điều 12 của Nghị định này đã quy định mức xử phạt đối với các hành vi, vi phạm các quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự và biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài việc phạt tiền, người vi phạm quy định về kiểm tra hoặc khám sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự buộc phải chấp hành các quy định về kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự; nếu vẫn tiếp tục vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ vào Bộ Luật hình sự để thực hiện.
Các mức xử phạt tiền được quy định tại Nghị định 151/2003/NĐ-CP như hiện nay là tương đối phù hợp với mức thu nhập chung của toàn xã hội. Song thực tế hiện nay, mức thu nhập bình quân của các địa phương không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền; vì vậy, trong quá trình thực hiện, một số địa phương kiến nghị cần phải nâng mức xử phạt cao hơn để đủ sức răn đe, thuyết phục hơn; Bộ Quốc phòng xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và chỉ đạo các cơ quan chức năng, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Để khắc phục tình trạng trên, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng xã hội trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức quần chúng và nhân dân trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân và con em mình thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh
Ý kiến bạn đọc