Ngân hàng nhà nước trả lời kiến nghị cử tri Tây Ninh việc cho vay vốn trên lĩnh vực nông nghiệp

Thứ hai - 22/07/2013 14:00 30 0

Ngân hàng nhà nước trả lời kiến nghị cử tri Tây Ninh việc cho vay vốn trên lĩnh vực nông nghiệp

Cử tri Tây Ninh kiến nghị: “Cử tri kiến nghị cần quan tâm triển khai việc cho vay vốn trên lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức cho vay và kỳ hạn cho vay; tiếp tục cải tiến thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được vay vốn dễ dàng hơn để đầu tư sản xuất, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp (theo Nghị quyết số 26/2012/QH13 ngày 21/06/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.


Trả lời: (Tại Công văn số 1033/NHNN-VP ngày 20/2/2013).
Hiện nay, việc cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang là nhiệm vụ trọng tâm được ngành Ngân hàng cũng như các cấp chính quyền quan tâm sát sao. Để hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan, như: (i) Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao; (ii) Dành lượng tiền cung ứng hàng năm để tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với sự ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay; (iii) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và không trái với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, áp dụng nhiều phương thức cho vay và mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP và Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010; (iv) Chỉ đạo tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cho vay đối với nhu cầu nâng cao quá trình cơ giới hoá và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.


Thực hiện chủ trương của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã tập trung vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 68,3% tổng dư nợ; Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long đạt 66,98%; Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đạt 62,02%; Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông đạt 46,24%. Trong năm 2012 vừa qua, mặc dù tăng trưởng tín dụng chung thấp nhưng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn vẫn ở mức cao (tăng 8% so với cuối năm 2011; tỷ trọng chiếm khoảng 18% trên tổng dư nợ đối với nền kinh tế, nếu tính cả các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội thì tỷ trọng này khoảng 22%.).


Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tập trung vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2010/NĐ-CP cho phù hợp với thực tế, trong đó có vấn đề hỗ trợ tài chính đối với các ngân hàng thương mại để xử lý rủi ro phát sinh khi thực hiện cho vay các chương trình nông nghiệp, nông thôn và cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo chỉ đạo của Chính phủ; Khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng triển khai gói sản phẩm tín dụng liên kết, như cho vay doanh nghiệp chế biến nhưng để trả tiền cho người bán nguyên liệu; cho vay người sản xuất để trả cho người cung cấp thức ăn…
Đối với một số kiến nghị cụ thể của cử tri liên quan đến tín dụng nông nghiệp, nông thôn:


- Về tăng mức vay vốn: Theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định, tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay. Trong bối cảnh nợ xấu đang có xu hướng gia tăng nhanh, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân suy giảm, các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong việc xem xét, quyết định mức cho vay để đảm bảo khả năng thu hồi nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng.


- Về tăng thời gian vay vốn, phù hợp với chu kỳ sản xuất: Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định, thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng. Hiện nay, nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn, nên việc xem xét tăng thời hạn vay vốn đối với khách hàng của tổ chức tín dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, trường hợp khách hàng không trả được nợ đúng hạn, thì có thể đề nghị tổ chức tín dụng xem xét cho điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ theo quy định hiện hành về gia hạn nợ.


- Về tiếp tục cải tiến thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được vay vốn dễ dàng hơn để đầu tư sản xuất, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp:


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2011/TT-NHNN ngày 08/3/2011 và Thông tư 22/2012/TT-NHNN ngày 22/6/2012 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các Quyết định nêu trên, theo đó người dân được vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.


Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 188/2012/TT-BTC ngày 07/11/2012 hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các ngân hàng thương mại nhà nước thay thế Thông tư số 65/2011/TT-BTC ngày 16/05/2011, trong đó quy định mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước làm cơ sở để Ngân sách Nhà nước hỗ trợ và cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của ngân hàng áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ.


Qua hai năm triển khai thực hiện Quyết định 63 và Quyết định 65, chủ trương này đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của nông dân cả nước, nhất là vùng sản xuất hàng hóa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Việc sử dụng máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thay thế lao động thủ công ngày một khan hiếm và đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây; Chính sách hỗ trợ cũng tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất.


Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định 63 và Quyết định 65, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương rà soát các loại trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, sử dụng không hiệu quả để bổ sung sửa đổi 02 Quyết định này.
 

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Tỉnh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập9
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách truy cập8
  • Hôm nay1,721
  • Tháng hiện tại47,091
  • Tổng lượt truy cập1,994,702
Tài liệu hướng dẫn tuyên truyền chương trình phổ cập tên miền .vn
Lịch công tác
Lịch tiếp xúc cử tri
Lịch tiếp công dân
Tài liệu góp ý luật
Họp không giấy
tài liệu các kì họp
góp ý văn bản dự thảo
chuyển đổi số
hỏi đáp
Công báo
Công khai ngân sách
quân đội nhân dân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây