Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dânhttps://hdnd.tayninh.gov.vn/uploads/logo.png
Thứ tư - 26/10/2022 16:00640
Chiều ngày 25 tháng 10 năm 2022, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lợi ích của người dân trong quy định các hành vi bị nghiêm cấm là lợi dung điều tra cơ bản về dầu khí làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường, đại biểu Thúy cho rằng đây là hoạt động diễn ra thường xuyên trong đời sống xã hội hằng ngày và cần có quy định mang tính chất nghiêm cấm từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo việc ổn định trật tự xã hội khi tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí.
Đại biểu Thúy cũng cho rằng quy định tại khoản 4 về hành vi bị nghiêm cấm là chưa phù hợp trong trường hợp khi hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí diễn ra trái pháp luật, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại theo hướng quy định như sau: "Cản trở trái pháp luật điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí".
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy phát biểu tại hội trường
Về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu Thúy đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 3 Điều 12 "Cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên danh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định tại khoản 1 Điều này". Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, trong trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ thì có thể tự mình thực hiện việc điều tra mà không cần phải liên danh với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Quy định như trên làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong việc điều tra cơ bản về dầu khí.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định "Tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện thì phải liên danh với tổ chức, cá nhân để có đủ điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí". Nhưng đến khoản 3 thì lại hạn chế việc liên danh giữa các cá nhân với nhau mà chỉ cho phép cá nhân liên danh với tổ chức, trong khi Điều 5 dự thảo Luật quy định chính sách của Nhà nước về dầu khí lại khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào điều tra cơ bản về dầu khí.
Như vậy, để chính sách về dầu khí của Nhà nước thật sự thu hút được các nhà đầu tư, đại biểu Thúy đề nghị không nên hạn chế tính độc lập, tự chủ của cá nhân. Đại biểu cho rằng khi cá nhân có đủ điều kiện và năng lực tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí thì có thể tự mình độc lập thực hiện mà không cần thiết phải liên danh với bất kỳ tổ chức nào khác.
Về nghĩa vụ nhà thầu được quy định tại khoản 8, Điều 59, theo đó nhà thầu có nghĩa vụ “Bán tại thị trường Việt Nam khi Chính phủ yêu cầu đối với các sản phẩm sau đây:
a) Phần khí thiên nhiên thuộc sở hữu của nhà thầu trên cơ sở thỏa thuận tại các dự án phát triển khai thác khí;
b) Phần dầu thô thuộc sở hữu của nhà thầu theo giá cạnh tranh quốc tế.”
Nội dung tại khoản này quy định việc nhà thầu phải có nghĩa vụ bán tại thị trường Việt Nam các sản phẩm dầu khí thuộc quyền sở hữu của mình khi được Chính phủ yêu cầu. Đại biểu Thúy băn khoăn mặc dù, đã giảm tránh các thiệt hại về kinh tế cho nhà thầu bằng cách bán tại thị trường Việt Nam với giá “trên cơ sở thỏa thuận tại các dự án phát triển khai thác khí” và “theo giá cạnh tranh quốc tế”. Tuy nhiên, trong trường hợp nhà thầu đã ký kết hợp đồng mua bán dầu khí với đối tác kinh doanh khác nhưng lại không cung cấp đủ số lượng theo thỏa thuận vì phải thực hiện quy định tại khoản 8 Điều 59 là bán các sản phẩm dầu khi được Chính phủ yêu cầu mà không thông báo trước một khoảng thời gian nhất định hoặc có thông báo trước nhưng sản lượng khai thác tại thời điểm yêu cầu không thể vừa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ vừa đảm bảo sản lượng theo yêu cầu của hợp đồng.
Trường hợp này rất dễ đưa nhà thầu vào thế phải đền bù hợp đồng hoặc phải chịu phạt hợp đồng khi không cung cấp đủ sản lượng dầu khí theo thỏa thuận. Do đó, đại biểu Thúy đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung tại khoản này theo hướng giảm thiệt hại cho nhà đầu tư ở mức thấp nhất có thể nhằm tạo sự thu hút đầu tư từ bên ngoài.
Đại biểu Thúy cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về phòng chống, xử lý sự cố dầu khí. Bởi thực tế sự cố dầu khí, khi xảy ra, thường là rất nghiêm trọng, để xử lý cần có sự tham gia của nhiều bên, những kỹ thuật và chuyên môn đặc thù. Kế hoạch ứng phó sự cố dầu khí là một nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí. Thực tế các vụ việc cháy nổ giàn khoan, kho chứa, sự cố tràn dầu trên thế giới cho thấy hơn bao giờ hết tầm quan trọng của chế định về phòng ngừa, xử lý sự cố tràn dầu trong hệ thống chính sách về dầu khí. Phòng chống rủi ro luôn là một công tác đặc biệt quan trọng trong hoạt động dầu khí của các doanh nghiệp và cả cấp quốc gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) không có điều khoản quy định về sự cố dầu khí mà chỉ nêu một số quy định yêu cầu về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố nói chung hoặc sự cố môi trường. Do đó, đại biểu Thúy đề nghị bổ sung quy định về phòng chống, xử lý sự cố dầu khí vào Dự thảo để bảo đảm chế định này là hợp lý, làm cơ sở cho việc quy định cụ thể ở các cấp văn bản thấp hơn là cần thiết.
Thanh Trung